Dịch vụ tốt thì học phí phải cao!
Tăng học phí ở bậc đại học (ĐH) là câu chuyện "hot" đang được nhiều người bàn luận sôi nổi. Phụ huynh và SV không thoải mái với việc tăng học phí bởi vốn dĩ họ đã phải oằn lưng với gánh nặng học hành, giờ lại phải đóng tăng thêm. Về phía các trường ĐH cho rằng, tăng học phí là bình thường bởi việc này thực hiện theo lộ trình. Hơn nữa, các chi phí đều tăng, lương cán bộ cũng tăng, vậy tại sao nguồn thu của các trường không tăng?
Vấn đề ở đây là mức đóng học phí cao, học trường thương hiệu nhưng ra trường vẫn thất nghiệp. Nhất là những trường thực hiện tự chủ hoàn toàn, quy định mức học phí cao gấp tới 3 lần trước đây. Vậy việc tăng học phí có hiệu quả và có nhất thiết phải đóng học phí cao? Trả lời về việc này, Phó Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH đang thực hiện tự chủ hoàn toàn cho biết, mức học phí thu tăng hiện nay mới đủ bù chi các khoản nhà trường bị Nhà nước cắt giảm ngân sách. Một chuyên gia giáo dục của trường ĐH khác đang tự chủ hoàn toàn giải thích, học phí tăng là để đảm bảo hoạt động đào tạo và các bộ phận gián tiếp phục vụ SV được chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn. Điều này cho thấy, chưa thể nói là chất lượng đào tạo tăng lên khi SV phải đóng học phí cao.
Trao đổi về việc học phí cao nhưng nhiều SV ra trường vẫn không tìm được việc làm, TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng đưa ra ý kiến: Vấn đề thu học phí cao cũng giống như câu chuyện ở bệnh viện. Nếu không tăng viện phí sẽ không có chất lượng dịch vụ tốt cũng như tái đầu tư về thiết bị, tăng lương cho bác sĩ có động lực làm việc tốt hơn. Còn học phí cao, trường thương hiệu nhưng SV tốt nghiệp không tìm được việc làm đó là câu chuyện của cả xã hội, cả hệ thống chứ không thể đổ lỗi cho nhà trường. Tất nhiên SV cũng có phần trong đó, bởi cho dù học trường thương hiệu nhưng người học không trang bị các kỹ năng cần thiết thì rất khó xin việc. Hơn nữa, bây giờ kinh tế tăng trưởng không cao nên không thể thu hút được hết SV tốt nghiệp vào làm việc. Trong hoạt động đào tạo, cung vượt quá cầu, chất lượng nhiều nơi chưa tốt thì thị trường lao động bị dư thừa nhân lực là điều khó tránh khỏi.
Chất lượng đào tạo vẫn là then chốt
Nhiều người cũng đồng tình với việc, trường thương hiệu thu phí cao đào tạo được người học có năng lực. Và khi đã có khả năng này, họ có thể đáp ứng được nhiều vị trí việc làm. Thực tế, nhiều DN tuyển dụng nhân sự rất ưu tiên ứng viên học ở trường và ngành danh tiếng, thậm chí những người có năng lực tốt còn được mời về với mức thu nhập lên tới hàng ngàn USD. Vì thế, TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, nếu chúng ta cứ để học phí thấp thì không thể giải được bài toán chất lượng. Song nếu tăng học phí, có thể xảy ra tình trạng người nghèo không có tiền đi học.
Các trường phải làm thế nào để cải thiện tình hình tỷ lệ SV ra trường bị thất nghiệp? TS Trần Mạnh Dũng cho rằng: “Chất lượng đào tạo ở đây không phải là tỷ lệ SV tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, mà chính là năng lực của người học sau khi ra trường. Sản phẩm đào tạo ra phải đáp ứng được thị trường lao động, nghĩa là phải có kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là khả năng làm việc có thể chấp nhận được thì sẽ được các đơn vị tuyển dụng săn đón”.
Quay trở lại câu chuyện học phí cao, TS Đỗ Hồng Cường dẫn chứng thực tế ở Mỹ, Bộ Giáo dục xây dựng chính sách để hỗ trợ các trường và thống kê nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, công khai cho mọi người biết. Còn ở ta hiện nay tất cả đều mù mờ, không lạ lẫm gì khi thấy phụ huynh khuyên con đi học ngành mà mình đã có nguồn tìm việc, chẳng cần biết nhu cầu của xã hội về ngành ấy trong 4 năm tới ra sao và càng không cần quan tâm đến sở thích của con. "Làm thế nào để người học hết mù mờ? Chính phủ và Bộ GD&ĐT nên làm rõ cho xã hội thấy bức tranh bây giờ chúng ta cần bao nhiêu nguồn nhân lực. Tiếp đến là tháo gỡ chính sách, nhu cầu về vị trí việc làm, đừng nên chạy theo bằng cấp. Có như thế, người học trường danh tiếng với mức học phí cao mới dễ kiếm việc làm" - TS Cường khẳng định.
Phỏng vấn xin việc tại Ngày hội việc làm và hướng nghiệp 2015 tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Hùng
|
Để giúp SV nghèo có tiền đi học, không nên thực hiện giảm học phí, hay cho tiền. SV phải ra ngân hàng vay tiền đóng học phí và Nhà nước bảo lãnh cho họ. SV nghèo thì được Nhà nước trả lãi suất, còn các SV bình thường thì phải trả lãi suất với mức ưu đãi, khi nào ra trường có việc làm thì trả tiền vay cho ngân hàng.
TS Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô
|