Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh đeo khẩu trang khi đến trường: Chuyên gia nói gì?

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 4/5, học sinh ở Hà Nội và nhiều tỉnh/TP sẽ trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia y tế, phải tạo được tâm lý tốt cho các em học sinh, phụ huynh về trường học an toàn. Trong đó, việc học sinh đeo khẩu trang khi đi học rất quan trọng và cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT kết hợp xây dựng, ban hành quy định cụ thể để thực hiện trường học an toàn một cách cụ thể, chi tiết với từng đối tượng: Giáo viên, phụ huynh, học sinh, việc lau chùi, khử khuẩn bàn ghế, ngồi giãn cách cho đến đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt. Các em học sinh có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng... cần được báo với y tế nhà trường và gia đình để nghỉ học.
 Ảnh minh họa.
Trong khi đó, Bộ Y tế đã có công văn về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục tới Bộ GD&ĐT, đồng thời đề nghị Bộ bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các tỉnh/TP. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường.
Liên quan đến việc học sinh đeo khẩu trang khi đi học, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian qua, nhờ triển khai và thực hiện tốt việc đeo khẩu trang nên Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc đeo khẩu trang rất quan trọng và cần thiết, kể cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục trong thời điểm này vẫn phải thực hiện.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, khẩu trang sẽ không có tác dụng nếu học sinh đeo không đúng cách. Vì vậy, giáo viên phải có trách nhiệm, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang đúng cách. Biết rằng, học sinh còn phải phát biểu ý kiến nhưng trong bất kỳ một hoàn cảnh nào thì phải theo hoàn cảnh đó. Việc đeo khẩu trang không ảnh hưởng đến công việc học tập của học sinh.
Còn về phía phụ huynh nên mua khẩu trang vải kháng khuẩn cho con em mình đeo khi đi học và phải giặt hàng ngày. “Phụ huynh học sinh nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn để mang theo tới trường dùng. Nhà trường cũng bố trí nơi rửa tay với xà phòng, để dung dịch sát khuẩn, hướng dẫn học sinh thực hiện đúng quy định”-  PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý các trường đại học, trung học có ký túc xá cần phải chú ý việc ăn ở, phòng bệnh cho các em học sinh, sinh viên ở nội trú tập trung. Nếu chỉ chú ý thực hiện trên lớp, trường mà không chú ý tới nơi ăn chốn ở bệnh có thể rất dễ lây lan trong môi trường đó.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nên ý thức của người dân đã được nêu cao. Hầu hết người dân đã đeo khẩu trang, biết cách phòng bệnh, họ cũng đã biết nếu không tuân thủ sẽ bị xử phạt. Đó là điều rất tốt.
Tuy nhiên chuyên gia cho rằng, tuyệt đối không được chủ quan, thấy tình hình dịch căng là thực hiện nghiêm chỉnh còn khi thấy dịch lui thì chủ quan tăng lên vì dịch còn diễn biến phức tạp dù ta đã đạt được thành công bước đầu.
"Chúng ta chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết nên người dân vẫn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã nêu ở trên. Đặc biệt, với những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không rõ nguyên nhân phải được tư vấn, xét nghiệm phát hiện bệnh, có phương án điều trị phù hợp" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, học sinh đeo khẩu trang là việc nên làm. Nếu đeo khẩu trang mà không ảnh hưởng đến học tập của các con thì tốt. Việc cho con đeo khẩu trang ngay cả trong lớp học, nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy an tâm hơn.
Đây là bước phòng tránh dịch bệnh hợp lý, cần thiết. Ngoài đeo khẩu trang cho con khi đi học, phụ huynh cần thành thật, tuân thủ việc khai báo y tế và làm tốt công tác vệ sinh.