Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh được hỗ trợ tâm lý và bù đắp kiến thức ra sao khi trở lại trường?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Học trực tuyến kéo dài dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực về sức khỏe, tâm lý của học sinh; hiệu quả học trực tuyến cũng không thể bằng học trực tiếp. Khi Hà Nội đang xem xét các phương án, thời gian mở cửa trường học trở lại, cùng công tác vệ sinh khử khuẩn thì kế hoạch hỗ trợ tâm lý và bù lấp kiến thức cho học sinh đã và đang được các trường lên kế hoạch.

Nhận diện bất ổn tâm lý để tư vấn, hỗ trợ
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, học sinh Hà Nội chuyển trạng thái học trực tuyến do diễn biến bất thường của dịch bệnh Covid- 19. Ở nhà quá lâu trong không gian chật hẹp, không được giao lưu trực tiếp bạn bè; không có điều kiện chơi thể thao hay nô đùa, chạy nhảy; lịch học online triền miên, lượng bài tập phải hoàn thành nhiều… nên ngoài vấn đề sức khỏe thể chất thì sức khỏe tinh thần của các em cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Luôn quan tâm đến vấn đề tâm lý học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản chỉ đạo thúc đẩy vấn đề tư vấn tâm lý học đường, trong đó có Thông tư 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Hàng năm, Bộ đều ban hành hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tích cực phối với các Bộ, ngành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ thực hiện công tác này.
 Dịch bệnh Covid- 19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh
“Tư vấn tâm lý cho học sinh là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn, thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm cả đến giáo dục kỹ năng sống, nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em.”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh và cho rằng, những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh Covid-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ Đoàn Đội.
Nhận thức sâu sắc về tác động của dịch bệnh đến tâm lý học sinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu bày tỏ: Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh đã báo cáo Đảng ủy, UBND huyện đề nghị các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc và tăng cường phối hợp, hỗ trợ quản lý học sinh nếu thời gian tới trường học mở cửa trở lại, đặc biệt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phòng cũng chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch nhằm nhận diện, tư vấn, hỗ trợ kịp thời những vấn đề tâm lý của học sinh để các em cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đến trường.
Tránh quá tải khi bù lấp kiến thức
Ngành Giáo dục chuyển trạng thái sang học trực tuyến hoàn toàn vì ảnh hưởng dịch Covid- 19 và đã nhìn nhận thẳng thắn, thấu suốt những khó khăn, hạn chế của hình thức học tập này, trong đó có việc hiệu quả trực tuyến không thể bằng trực tiếp. Nhiệm vụ bù lấp, bổ trợ kiến thức cho học sinh ngay sau khi đến trường đã được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT hướng dẫn kỹ lưỡng; căn cứ vào đó, các nhà trường đã tiến hành rà soát và lập kế hoạch cụ thể.
 Kế hoạch củng cố, bù lấp kiến thức cho học sinh khi học trực tiếp đã được các trường lên kế hoạch
Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Hà Đông) Vũ Kim Loan, sau khi học sinh được phép trở lại trường học thì tuần đầu tiên, các cô giáo sẽ tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho các em ở những nội dung đã học online. Với nhóm học sinh tiếp thu chậm hơn sẽ có phân loại, lập danh sách và phân công giáo viên dạy riêng để bồi dưỡng cho các em nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Chia sẻ về kế hoạch này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho hay, Phòng GD&ĐT đã giao các trường tiến hành rà soát những trường hợp học sinh không tham gia học trực tuyến đầy đủ (do thiết bị cũ, đường truyền mạng kém; học sinh nhận thức chậm…) để phân loại và lên thời khóa biểu dạy phụ đạo. Thời gian đầu trở lại trường, tất cả học sinh sẽ được ôn tập, củng cố kiến thức. Do chỉ học một buổi nên trường sẽ xây dựng phương án phụ đạo cho học sinh theo nhóm vào buổi còn lại bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp. “Việc nắm bắt tình hình, khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh được giáo viên rà soát hàng ngày, hàng tuần nên kế hoạch bù lấp kiến thức sẽ phù hợp, vừa sức với học sinh và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng quá tải... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong phụ huynh tiếp tục quan tâm, sát sao, động viên con học nghiêm túc, làm bài tập và gửi cô chấm chữa đầy đủ; tránh suy nghĩ “sau này đi học cô dạy lại từ đầu” bởi hiệu quả giáo dục chỉ có thể đạt được khi các bên cùng nỗ lực và cố gắng. …”- ông Nguyễn Văn Hậu bày tỏ.
Tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19
Trong hai ngày (21 và 22/10), Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến với chủ đề: “Tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”. Với 400 điểm cầu, hơn 1.000 đại biểu là các cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD&ĐT và các giáo viên, cán bộ quản lý của các trường Tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc tham dự, chương trình tập trung vào 04 chuyên đề là: Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19; Hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học; Nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ; Hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.
 Chương trình tập huấn hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid- 19 khai mạc sáng 21/10
Tại chương trình, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục của Việt Nam và quốc tế sẽ cùng chia sẻ về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; kinh nghiệm và kiến thức để nhận diện những vấn đề tâm lý thường gặp ở học sinh trong dịch bệnh và khi quay lại trường học. Bên cạnh đó, chương trình cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý; kỹ năng giúp học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.