Ngày 8/11, sau khi xem xét, cân nhắc thận trọng mọi điều kiện cùng nhiều lần điều chỉnh kế hoạch, Hà Nội quyết định chỉ cho học sinh khối 9 tại các trường THCS thuộc huyện Ba Vì học trực tiếp. Để mở cửa đón học sinh, các trường phải thuộc khu vực có mức độ dịch ở cấp độ 1 hoặc cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 8/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, bắt buộc đảm bảo yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của Sở GD&ĐT và Sở Y tế. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng, chống dịch Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân và chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp cơ sở có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Qua hơn 3 tuần mở cửa trường, huyện Ba Vì có 129 lớp 9 với trên 4.500 học sinh học trực tiếp, chiếm tỷ lệ 98,02%; số giáo viên dạy trực tiếp chiếm 99,39%; mọi công tác triển khai tổ chức dạy học được đánh giá đảm bảo tuyệt đối an toàn. Từ kết quả tích cực trên, ngày 22/11, học sinh lớp 9 tại trường thuộc khu vực có mức độ dịch ở cấp độ 1 hoặc cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 22/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng ở 17 huyện, thị xã còn lại của Hà Nội tiếp tục được đến trường. Công tác chuẩn bị các điều kiện đón học sinh được chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang, thiết bị, vật tư y tế, vệ sinh, khử khuẩn môi trường, khuôn viên trường, lớp học và các điều kiện theo phương án đã được các trường xây dựng, sẵn sàng đón học sinh đảm bảo các yêu cầu, quy định của công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm về việc cho học sinh lớp 9 vùng xanh ngoại thành trở lại trường, Sở GD&ĐT đã có văn bản trình UBND TP về việc cho học sinh THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi học trực tiếp, dự kiến từ ngày 6/12. Chiều 29/11, tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét báo cáo và thống nhất nội dung trên.
Sẵn sàng các điều kiện an toànTừng bước mở cửa trường học là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GĐ&ĐT. Qua đợt thí điểm cho học sinh lớp 9 ngoại thành đi học, đợt mở cửa đón học sinh THPT tại các 30 quận, huyện sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng mỗi ngày đều tăng cao; số lượng học sinh lớn và cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau.
Tiếp nhận thông tin về việc các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thể được mở của đón học sinh đi học trở lại từ 6/12, các nhà trường, giáo viên, học sinh đều chung quan điểm “rất vui mừng, phấn khởi”. Với tinh thần chủ động và luôn trong tâm thế sẵn sàng, các trường đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế, phòng cách ly, phòng y tế, công tác tuyên truyền, lên kế hoạch, kịch bản chi tiết về công tác tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch dự kiến, nhà trường đã xây dựng các phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, bộ phận; việc tiêm vaccine cho học sinh đã thực hiện từ 25/1. Liên quan đến cơ sở vật chất dạy học, trường đã lắp đặt thêm webcam cho 30 phòng học với tổng chi phí khoảng 70 triệu đồng. Do vậy, nếu xảy ra trường hợp có F0 hoặc học sinh phải cách ly hay trong khu phong tỏa thì các em vẫn có thể nhìn thấy, theo dõi bài giảng hoặc tương tác với thầy cô và các bạn".
Cũng với tâm thế sẵn sàng đón học sinh trở lại trường, Hiệu trưởng trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) Đặng Thanh Bình cho biết.“Trước mắt, cơ sở vật chất đã được trường chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng; giáo viên 100% tiêm đủ 2 mũi vaccine; gần 100% học sinh đã được tiêm vaccine mũi 1; kịch bản, phương án tổ chức dạy học cũng đã được trường xây dựng. Với 2.040 học sinh và 45 lớp (mỗi lớp từ 40 - 48 học sinh), nếu được đi học trở lại, trường sẽ tính toán, sắp xếp bàn ghế để đảm bảo tối ưu khoảng cách…”.
Tương tự, Hiệu trường trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Nhâm Huyền cho hay, nhà trường có 1.954 học sinh, tỷ lệ đã tiêm vaccine mũi 1 trên 95,6%; số còn lại sẽ tiêm bổ sung đợt 2. Khi cả thầy và trò được tiêm vaccine lại thêm những quy định chặt chẽ về điều kiện được đón học sinh trở lại, phụ huynh và học sinh vui mừng và khá yên tâm khi trở lại trường. Về cơ bản, nhà trường đáp ứng tốt các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định.
Đã tiêm xong mũi 1 vaccine ngừa Covid- 19, Nguyễn Mai Anh, học sinh lớp 11 trường THPT Trung Giã, huyện Sóc Sơn bày tỏ mong muốn được đi học từ đầu tuần sau. “Chúng em đếm ngược thời gian để được đi học trực tiếp. Dù dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng nhìn học sinh lớp 9 các huyện đi học an toàn, em tin chúng em cũng đảm bảo an toàn như vậy và sẽ tuyệt đối tuân thủ mọi yêu cầu, quy định đặt ra”.
Hiện tại, các trường THPT và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP đã chủ động mọi phương án; được tập huấn kỹ càng về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể, chi tiết như thế nào, các trường vẫn đang chờ quyết định chính thức cùng hướng dẫn của UBND TP cùng các sở ngành liên quan trên nguyên tắc cao nhất là đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho cả thầy – trò để cùng hướng tới mục tiêu duy trì chất lượng dạy và học.