Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh ở các khu đô thị mới khó tiếp cận được các trường công lập

Theo Báo Hải quan
Chia sẻ Zalo

Việc xây dựng trường học ở các khu đô thị mới đang là vấn cấp bách để đáp ứng nhu cầu học tập của những gia đình đang sống trong các khu độ thị.

Trước thềm năm học mới, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã trao đổi cùng báo giới xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn tới việc thiếu trường học ở trong các khu đô thị mới hiện nay?

Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về việc thông qua quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mỗi một phường, xã sẽ có ít nhất một trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS trên địa bàn.

 Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tuy nhiên, qua giám sát gần đây của Ban Văn hóa- Xã hội Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội ở một số khu đô thị mới vẫn còn thiếu trường học. Thực tế là tại nhiều khu đô thị trong quá trình triển khai còn thiếu các hạ tầng xã hội.

Nguyên nhân, thứ nhất do những nhà hoạch định chính sách cho UBND TP. Hà Nội chưa làm việc giới thiệu vị trí, địa điểm thuận lợi để xây dựng khu đô thị, dẫn tới nhiều khu đô thị khó triển khai hạ tầng xã hội do không có mặt bằng, gần đường giao thông...

Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng khu đô thị mới, những đơn vị cấp phép đầu tư như: Sở Tài chính, Sở Xây dựng… không đeo bám quá trình xây dựng nên dẫn tới nhiều công trình xã hội, trong đó có, trường học được xây dựng chậm trễ nên thiếu trường học ở khu đô thị mới.

Hiện nay, ở các khu đô thị mới chủ yếu trường tư thục, nên những em học sinh có mong muốn được được học trường công nhưng không có cơ hội, ông có thể đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu trường ở các khu đô thị mới?

Trong quá trình xây dựng các khu đô thị mới, nhiều chủ đầu tư ít quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng xã hội, trong đó, có việc xây dựng trường học. Chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà ở để bán ra thị trường, vì vậy, khi người dân về ở tại nhiều khu đô thị mới thiếu trường học và thiếu hạ tầng xã hội.

UBND TP. Hà Nội rất quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố, cũng như trong các khu đô thị mới. Tuy nhiên, nguồn lực, nguồn kinh phí để đầu tư phát triển trường công lập vẫn còn hạn chế, do đó, UBND TP. Hà Nội đã đẩy mạnh việc xây dựng mô hình trường dân lập.

Hiện các trường dân lập ở nhiều khu đô thị mới mang tính chất xã hội hóa, do chủ đầu tư bỏ kinh phí xây dựng. Tuy nhiên, có một số chủ đầu tư không đủ kinh phí xây dựng trường học sẽ chuyển giao cho các chủ đầu tư thứ cấp để triển khai thực hiện việc này. Khi việc xây dựng trường học được chuyển giao cho các chủ đầu tư thứ cấp sẽ có sự liên doanh, liên kết trong quá trình đầu tư, nên dẫn tới chậm tiến độ trong quá trình triển khai thực hiện.

Học sinh ở các khu đô thị mới mong muốn được tiệm cận, học tập ở trường công lập khó khăn. Bởi vì trường công lập ít được triển khai ở khu đô thị do nguồn vốn và quỹ đất hạn hẹp. Chúng tôi thấy việc này là trách nhiệm của TP.Hà Nội và của người dân. Tuy nhiên, tới đây theo quy định của Chính phủ tiến tới giảm dần các trường công lập để khuyến khích tổ chức xã hội, doanh nghiệp… đầu tư xây dựng trường học, để giúp cho học sinh tham gia các mô hình học tập khác nhau.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các trường tư thục cũng còn hạn chế, bởi hiện kinh phí phải chi trả ở các trường tư thục khá cao, trong khi, dịch vụ giao dục công lập vẫn có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ cảm thấy lo lắng, với hướng đi này con những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tốt hơn hay không, thưa ông?

UBND TP. Hà Nội rất quan tâm và chăm lo đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, đặc biệt con của những gia đình này. Thực tế, trong thời gian qua Hà Nội đã tạo mọi điều kiện cho những học sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo được đến trường như: Giảm học phí, tặng học bổng…

Đối với các chủ đầu tư, trong quá trình triển khai xây dựng các trường dân lập ở các khu đô thị mới, Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư xem xét miễn giảm học phí đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà nội xem xét hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Xin cảm ơn ông!