Học sinh tiếp xúc thiết bị điện tử triền miên: Có hoàn toàn do học trực tuyến?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi – Dù đã xác định học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 và chương trình đã được tinh giản đến mức tối đa nhưng không ít phụ huynh vẫn nặng lòng trăn trở khi thấy con cái tối ngày “kè kè” với thiết bị điện tử.

Cả tuần “cày” máy tính
Sau thời gian học online, sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử của con cái được các bậc phụ huynh xác định là tăng lên rất nhiều bởi ngoài việc nghe giảng trong lớp học còn tương tác với cô giáo, bạn bè qua tin nhắn; làm bài tập trên phần mềm; quay video; chụp ảnh… Tất cả các phần việc, thao tác này chiếm thời gian không nhỏ của học sinh.
Con con gái học lớp 6 tại một trường ngoài công lập thuộc quận Cầu Giấy, mức học phí online phải đóng bằng 75% học phí trực tiếp; tương đương với lượng chương trình giảm 25% nhưng anh Lê Duy Hải, quận Cầu Giấy cho rằng, thời lượng học trực tuyến của con vẫn khá dày và lượng bài tập thì… đầy ắp. Theo thời khóa biểu, ngày con anh học 2 buổi; mỗi buổi 3-4 tiết; riêng thứ Bảy học 1 buổi; trong đó hầu hết các môn học đều có bài tập hoặc hướng dẫn đọc tại nhà. Ngay sau giờ học buổi sáng, anh Hải thường thấy con ngồi tại chỗ hoàn thiện bài tập của 1-2 môn; còn lại tối giải quyết tiếp. Nếu hôm nào không làm xong, hôm sau con phải dành thời gian làm bù nên rất mệt. “Tôi chỉ biết động viên con học tập trung; tích cực nghiên cứu tài liệu, sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Năm nay các con học chương trình Giáo dục phổ thông mới, chương trình tích hợp có nhiều kiến thức lạ, khó; không có cách nào khác là phải cố gắng gấp đôi. Điều tôi mong muốn là giảm lượng bài tập và tăng cường phần chữa dạng bài khó để kiến thức các con được củng cố chắc hơn”- anh Hải bày tỏ.
 Học trực tuyến làm trẻ phải tiếp xúc thiết bị điện tử nhiều hơn
Chia sẻ về phần bài tập, chị Phạm Ngọc Hân, trú tại quận Thanh Xuân cho rằng, phần giao bài về nhà cho học sinh vẫn bị nặng; vô hình trung làm tăng thời gian tương tác của học sinh với thiết bị. “Cô giao bài tập trên phần mềm. Với những gia đình có điều kiện in phiếu thì các con làm trên phiếu, sau khi hoàn thiện sẽ chụp lại gửi cô. Còn với gia đình không in được, các con phải làm trực tiếp trên máy tính hoặc nhìn đề trên máy tính rồi viết bài giải vào vở. Cả hai hình thức này đều khiến các con “cày” thiết bị trong thời gian dài hơn.
“Việc học và làm bài tập online khiến nhiều trẻ bị mất kiểm soát về thời gian tiếp xúc thiết bị; mỏi mắt, cận thị, nhức đầu, tăng độ cận… là những hệ quả có thể nhìn thấy rõ của học online”- PGS. TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết.
Vai trò quản lý, giám sát của phụ huynh
Qua tìm hiểu của phóng viên, với học sinh học hệ thống công lập, hầu hết chỉ học 1 buổi/ngày. Với cấp tiểu học, thời lượng một tiết học duy trì trong 25 phút (khối 1 và khối 2); 30 phút (khối 3 và khối 4) và 35 phút (khối 5). Với bậc THCS và THPT, thời lượng một tiết học kéo dài 45 phút. “Theo hướng dẫn của Bộ và Sở, chương trình đã được giảm tải tối đa; ví như môn Lịch sử cấp THPT, thời lượng cắt giảm gần ¼ chương trình. Với lớp 1-2- 3, trước đây thời gian học kéo dài hơn 3 tiếng/buổi thì nay chỉ còn khoảng 2 tiếng/buổi. Như vậy, việc học 1 buổi/ngày không phải quá dài hay quá nặng. Cái chính là ý thức của học sinh và việc cha mẹ quản lý việc sử dụng thiết bị của con cái đến đâu”- cô Mai Quế Anh, giáo viên tại huyện Phúc Thọ nêu ý kiến.
Học sinh ngồi máy tính triền miên có phải do học trực tuyến hay không? Câu hỏi này nhận được nhiều chia sẻ của phụ huynh. Chị Ngọc Lâm, huyện Gia Lâm kể: “Ngoài việc học, tôi phát hiện con chơi điện tử, xem phim hoặc xem youtube triền miên. Có hôm hết giờ học, con ôm điện thoại lao vào giường nằm xem cả tiếng. Có khi, con ngồi ở bàn học khá chăm chú và nghiêm túc, những tưởng làm bài tập nhưng thực chất là xem phim, youtube. Tôi hỏi thì con trả lời là “con giải trí vì học căng thẳng”. Việc này diễn ra nhiều nên tôi và con đã phải nói chuyện nghiêm túc với nhau. Tôi cũng mang chuyện này “than thở” trên nhóm phụ huynh lớp và biết rằng, hiện tượng như con tôi khá phổ biến”.
 Cha mẹ cần tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng thiết bị của con cái (Ảnh minh họa)
Cho rằng, con tiếp xúc với thiết bị nhiều, ngoài việc chơi game, xem phim thì còn để chat (nói chuyện) với các bạn trong lớp, chị Nguyễn Vân Anh, quận Tây Hồ dẫn chứng: “Con tôi năm nay bước vào cấp 2; do chưa một lần được gặp các bạn trong lớp nên nhu cầu làm quen, chuyện trò, trao đổi rất lớn. Để tiện cho việc thảo luận, làm việc nhóm, phụ huynh đã đồng ý cho các con sử dụng tài khoản Zalo. Nhưng khi thấy con ôm điện thoại suốt, tôi theo dõi và biết là các con chat với nhau tối ngày qua zalo, có những cuộc chuyện trò diễn ra lúc 1-2 giờ sáng và hơn 90% là nội dung không liên quan đến học tập. Ban phụ huynh đã họp để tìm giải pháp khắc phục tình trạng này và có gia đình đã không cho con dùng zalo riêng nữa”.
Còn một nguyên nhân khác dẫn đến việc trẻ tiếp xúc thiết bị nhiều, đó là ngoài học chính khóa và thực hiện các nhiệm vụ cô giao, nhiều phụ huynh còn cho con tham gia các khóa học thêm và học kỹ năng trực tuyến. “Con tôi học online chính khóa 5 ngày/tuần. Hai ngày cuối tuần tôi cho con học thêm Toán, tiếng Anh, Tiếng Việt và tranh biện tiếng Anh. Tuần có 7 buổi thì con học kín mít, không được nghỉ buổi nào. Năm nay con học lớp 5, tôi định hướng con thi vào trường chất lượng cao nên phải học ngay từ bây giờ mới kịp…”- chị Hà Thị Mai, quận Hà Đông cho biết.
Học trực tuyến là bất khả kháng, không ai mong muốn và chất lượng chắc chắn không thể bằng học trực tiếp. Khi học trực tuyến đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía học sinh, nhà trường, thầy cô và cha mẹ. Nhằm hạn chế những bất cập của hình thức học trực tuyến, tinh giản chương trình, giảm thời lượng, linh hoạt phương pháp và cách thức giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng dung lượng đường truyền…là những giải pháp đã và đang được các trường nỗ lực thực hiện. Mong muốn bớt lượng bài tập về nhà chắc hẳn sẽ được thầy cô xem xét, cân nhắc. Tuy nhiên, vai trò quản lý của phụ huynh với con cái để con rời xa thiết bị khi không học; bớt kỳ vọng, cắt giảm học thêm online…. cũng là những việc đóng vai trò tích cực, góp phần giảm đáng kể thời gian trẻ tiếp xúc thiết bị; đồng thời giảm áp lực học tập cho các em.