Học thật, thi thật để có nhân tài thật

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về việc đánh giá học sinh THCS, THPT của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 5/9/2021 được các thầy cô giáo lẫn phụ huynh đặc biệt quan tâm.

 Đối với những người mới quan tâm đến giáo dục, Thông tư 22 không đơn thuần chỉ là có nhiều điểm mới như bỏ điểm tổng kết trung bình chung của các môn, bỏ đánh giá bằng điểm với một số môn mà quy định này sẽ tạo động lực học tập, giúp học sinh phát huy thế mạnh.
Điều đầu tiên phải thấy Bộ GD&ĐT đã có bước chuyển tiếp khá chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường áp dụng. Thông tư sẽ triển khai năm đầu tiên với lớp 6. Từ năm 2022 - 2023 sẽ theo lộ trình áp dụng cho lớp 7 và lớp 10, sau đó năm học 2023 - 2024 sẽ áp dụng cho lớp 8 và lớp 11. Đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng với các lớp 9 và 12.

PSG.TS Nguyễn Quý Dy, một người đã có rất nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục chia sẻ: “Thông tư 22 là một bước chuyển lớn về tư duy dạy và học. Lần này, chúng ta để học sinh được phát huy năng lực, sở trường của mình thay vì hướng học sinh phải học giỏi những môn chính mà nhà trường ấn định. Đánh giá mới này được cho là thật hơn”.

Lâu nay, để được trở thành học sinh Giỏi, học sinh cần phải đạt trung bình các môn trên 8, trong đó có một trong 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Anh phải đạt từ 8 trở lên, không có môn nào dưới 6,5 điểm. Từ nay, theo Thông tư 22 học sinh cần có 6 môn đạt từ 8,0 trở lên, không môn nào dưới 6,5 điểm. Như vậy từ nay sẽ không còn phân biệt môn chính, môn phụ các em không nhất thiết phải đạt điểm tốt môn Toán hay Ngữ văn mới được đánh giá là Giỏi, mà có thể phát triển theo những môn sở trường, năng lực riêng. Áp dụng quy định mới sẽ cho ta câu trả lời chính xác: “Có phải chúng ta đang có nhiều học sinh giỏi về lĩnh vực Toán, Văn, Anh đến thế không?”.

Quy định mới này không đề cập đến yêu cầu riêng cho các môn Toán, Văn, Anh, do đó, giờ đây, vai trò của các môn học là bình đẳng như nhau. Như thế nhìn lực học của các con tại các môn học, gia đình cũng dễ hướng nghiệp cho các con hơn, mục tiêu phân hóa học sinh mới có cơ sở thành hiện thực.

Việc đánh giá kết quả rèn luyện lẫn học lực của học sinh, từ 5 bậc “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém” chuyển sang 4 bậc “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”, có thêm mức khen thưởng cho danh hiệu “Học sinh xuất sắc” đối với những em học sinh có kết quả rèn luyện Tốt, kết quả học tập Tốt và có ít nhất 6 môn trung bình trên 9 được cho là tránh “cả làng đều giỏi” như hiện nay.

Về thuật ngữ, đánh giá “Chưa đạt” được cho là nhẹ nhàng hơn “Yếu, Kém” như trước đây, không để lại không khí nặng nề và gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Việc dùng một số điểm trung bình cuối cùng để đánh giá một học sinh bậc THCS, THPT là “Yếu, Kém” là điều nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ từ lâu.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, đáng lẽ chúng ta phải thay đổi cách đánh giá năng lực học sinh sớm hơn. Bản thân người lớn cũng không thể giỏi toàn diện thì cũng đừng bắt các con giỏi toàn diện. Đã đến lúc cách đánh giá học sinh phải đi theo xu hướng chung của thế giới, “giỏi phải giỏi thật” và ngay cả “chưa đạt” cũng đúng là “chưa đạt thật”. Đối với các nhà trường “học thật, thi thật để có nhân tài thật” là từ khóa, cũng là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Bộ GD&ĐT, muốn thực hiện được điều đó trước hết phải cần có công cụ đánh giá thật.