Hội chợ tôn vinh hàng Việt và kết nối giao thương mọi vùng miền

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cách nhau 2 ngày khai trương, với 2 chủ đề khác nhau là Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn và Hội chợ kết nối giao thương với Hà Nội đang là địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô cuối tuần này.

Hội tụ các thương hiệu của ngành công nghiệp nông thôn

Khai trương từ ngày 20/9, Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tại số 1 Đỗ Đức Dục Hà Nội đã đem lại cho người dân Thủ đô hàng trăm mặt hàng công nghiệp do các làng nghề, ngành nghề truyền thống trên cả nước sản xuất. Điểm khác biệt và thu hút người tiêu dùng đến tham quan mua sắm tại Hội chợ này là do trên 200 mặt hàng có mặt tại Hội chợ đã được 4 cấp xét duyệt bình chọn đạt tiêu chuẩn "hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2 năm 2016-2017, được tuyển chọn từ hàng ngàn sản phẩm sản xuất trong nước ở mọi ngành nghề từ công nghiệp, nông, lâm, thủy sản.

 Bà Nguyễn Thị Tịnh tại Hội chợ

hàng Công nghiệp nông thôn 

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Tịnh, Giám đốc sản xuất nước mắm Thanh Quốc cho biết: Nước mắm Thanh Quốc được trưng bày và giới thiệu tại Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Nội 2017 đã phải qua 4 vòng bình chọn xét tuyển, đó là: Tại huyện, tỉnh, khu vực và toàn quốc. Để lọt qua 4 vòng bình chọn như vậy, nước mắm Thanh Quốc được sản xuất, chắt lọc từ kinh nghiệm chế biến nước mắm của 4 đời người tương đương khoảng 300 năm. Đến Hội chợ này Thanh Quốc không bán sản phẩm mà chỉ muốn giới thiệu cho khách hàng của Thủ đô nhận diện được đâu là thương hiệu nước mắm truyền thống được sản xuất từ cá và muối biển, khác với các loại nước mắm pha chế ở những điểm nào.

Vừa giới thiệu, vừa bán sản phẩm Trung Tâm khuyến công Quảng Ninh đã tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm của nhiều cơ sở sản xuất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, với những sản phẩm nổi tiếng nhiều người biết đến: Chả mực Hạ Long giã dối, ruốc tôm, cá thu một nắng…

Ông Nguyễn Tiến Phương ở cơ sở sấy khô Đồng Tháp chia sẻ: Cơ sở của ông đem đến đây nhiều sản phẩm chất lượng như mít, khoai sấy, cá chế biến sấy khô đặc sản Đồng Tháp Mười.
 Gian hàng của Trong tâm khuyến công Quảng Ninh thu hút đông người tham quan mua sắm.
 Gian hàng sản phẩm nông nghiệp sấy không của Đồng Tháp.
Chị Vân đến Hội chợ công nghiệp nông thôn không chỉ để mua sắm mà còn tìm hiểu những đặc sản của các vùng miền. Chị cho rằng, Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã đem đến cho người dân Hà Nội sự hiểu biết về hàng Việt Nam chất lượng cao đến từ các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Từ đó có sự lựa chọn của khách hàng góp phần xây dựng thương hiệu Việt cạnh tranh trên thị trường hội nhập.

Hội chợ kết nối với Hà Nội mở rộng thị trường hàng Việt

Đem đến Hội chợ kết nối giao thương với Hà Nội là 300 gian hàng, của 25 tỉnh thành phố trên cả nước không chỉ giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô nhiều sản phẩm mới, chất lượng, đảm bảo rõ nguồn gốc mà còn là địa chỉ tin cậy mua sắm cuối tuần.
 Khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm của Hội chợ giao thương kết nối hàng hoá với Hà Nội khá đông người tham quan mua sắm.
 Nhiều người đến đây không phải để mua hàng mà kết nối cung ứng hàng hóa sang thị trường khác. Gian trưng bày sản phẩm IPOT của DN Kankyo Việt Nam có địa chỉ tại Hà Hội.
Phóng viên đến gian trưng bày trung tâm của Hội chợ giao thương kết nối hàng hoá với Hà Nội. Tại đây nhiều gian hàng đại diện của các tỉnh, thành phố trưng bày sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Chia sẻ với phóng viên bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX Hiền Phước cho biết: HTX đại diện cho nhiều cơ sở sản xuất của Bắc Giang giới thiệu, cung ứng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội. Qua Hội chợ Bắc Giang cũng muốn tìm đặt cơ sở tiêu thụ sản phẩm nổi tiếng của tỉnh tại Hà Nội.
 Gian hàng sản phẩm của Bắc Giang giới thiệu sản phẩm làm từ lúa đến người dân Thủ đô.
Cũng tại Hội chợ Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc thuộc làng nghề thủ công truyền thống mỹ nghệ Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội muốn nhiều bạn bè ở các tỉnh cùng tham gia Hội chợ biết đến sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội và kết nối đưa sản phẩm đi đến nhiều vùng miền.
Tại Hội chợ giao thương kết nối hàng hoá với Hà Nội phóng viên đã gặp nhiều người tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh với các DN của Hà Nội và ngược lại. Theo ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Phúc Lâm, đại diện của thương hiệu nước mắm Thanh Quốc khu vực phía Bắc: Việc kết nối giao thương hàng hoá với Hà Nội không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa hai hay nhiều DN mà là một cách để người Việt biết đến hàng Việt và bảo vệ hàng Việt trước sức ép cạnh tranh của hàng ngoại, hàng nhái, hàng giả.
 Gian hàng nón làng Chuông Hà Nội đông người mua sắm.
Mặc dù 2 Hội chợ khai trương cách nhau 2 ngày và vào dịp cuối tuần, tưởng như là có sự khác biệt về tính chất sản phẩm nhưng lại tạo cho người dân Thủ đô kênh tiêu dùng ấn tượng. Ở đây người ta không chỉ đơn thuần là mua sắm mà tìm hiểu được văn hoá mỗi vùng miền qua các sản phẩm tiêu biểu, chất lượng đã được kiểm chứng và được truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Cũng tại đây nhiều người tìm cho mình công việc mới, ý tưởng sản xuất, kinh doanh mặt hàng mới. Đây là cách làm hiệu quả của Hà Nội xây dựng các kênh phân phối sản phẩm tiêu dùng hàng Việt sạch, an toàn vào thị trường Thủ đô và ngược lại.