Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo đó, Hội đồng Cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh: Tổ chức tiếp nhận Báo cáo điều tra và Hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 93 Luật Cạnh tranh; xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định tại Điều 119 Luật Cạnh tranh; yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Hội đồng Cạnh tranh còn có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định khác của Hội đồng Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại. Hội đồng Cạnh tranh tham gia tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật tố tụng hành chính. Hội đồng Cạnh tranh tổ chức và hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hội đồng Cạnh tranh có từ 11 - 15 thành viên, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Cạnh tranh là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Hội đồng Cạnh tranh có cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tuyển dụng, bổ nhiệm công chức của Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2015.