Hội đồng nghệ thuật “sốc” vì cách thể hiện của Thanh Lam

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách thể hiện rất “phiêu” của Thanh Lam khi biểu diễn “Dáng đứng Việt Nam” trong chương trình Giai điệu tự hào đã khiến nhà báo Đỗ Thu Hà - thành viên Hội đồng bình luận hơi “sốc” vì không giống với những gì mọi người thường được nghe.

Nhắc đến những nghệ sĩ nổi bật của thời kỳ này, không thể không nhắc đến nhà thơ Nguyễn Đình Thi - người chiến sĩ đi qua cả 2 cuộc kháng chiến với những bài thơ đã đi cùng một giai đoạn lịch sử của đất nước. Bài thơ Lá đỏ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi ra đời ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong chương trình "Giai điệu tự hào tháng 4", giám đốc âm nhạc Thanh Phương và ban nhạc Ngũ Cung muốn chuyển tải không khí sục sôi qua một bản phối phong cách rock alternative hào sảng, như tiếng đoàn quân rầm rầm ra chiến trường.
Diva Thanh Lam.
Sau khi theo dõi phần biểu diễn của ban nhạc Ngũ Cung, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho rằng ở thời đại này, khi chúng ta nhìn lại quá khứ trong sự reo vui mừng chiến thắng thì những âm thanh rock với những nhạc cụ điện tử mạnh mẽ lại trở nên rất phù hợp. Cùng viết về đề tài Trường Sơn nhưng nếu như Lá đỏ là trải nghiệm hào hùng của một con người đã đi qua 2 cuộc chiến thì Bài ca Trường Sơn (Thơ: Gia Dũng, nhạc: Trần Chung).
Trong Giai điệu tự hào tháng này, nhạc sĩ Thanh Phương muốn tái hiện lại khung cảnh những chiến sĩ ngồi ôm đàn hát giữa rừng Trường Sơn qua một bản phối mang phong cách acoustic acardeon bởi anh cảm nhận rằng ở thời đó, những người chiến sĩ trong tay chỉ có đàn ghi ta và acordeon. Giọng hát rất sáng mà lãng tử của Vũ Thắng Lợi hòa cùng tiếng đàn mộc tạo nên những xúc cảm đầy dung dị.
Ca khúc chủ đề của chương trình
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một mảng đề tài khác cũng chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong thi ca. Đó là những tình cảm của hậu phương dành cho tiền tuyến hay là nỗi lòng người chiến sĩ hướng về hậu phương. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, sau khi sáng tác xong bài thơ Làng quan họ, đã trực tiếp gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhờ phổ nhạc. Làng quan họ quê tôi sẽ được nhóm Con gái thể hiện trong Giai điệu tự hào tháng 4 với phong cách world music mới mẻ.

Giai điệu tự hào tháng 4 đánh dấu sự trở lại của diva Thanh Lam với một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ - phổ thơ Lê Anh Xuân: Dáng đứng Việt Nam. Đệm nhạc cho nữ ca sĩ là ban nhạc rock Ngũ Cung. Ca sĩ Thanh Lam chia sẻ rằng khi thể hiện bản hùng ca này, cảm xúc tự hào được là một người con Việt Nam dâng trào trong lòng chị. Tuy nhiên, cách thể hiện rất “phiêu” của chị đặt ra một vài dấu hỏi trong Hội đồng bình luận. Nhà báo Đỗ Thu Hà - thành viên Hội đồng bình luận hơi “sốc” vì cách thể hiện của ca sĩ Thanh Lam - không giống với những gì mọi người thường được nghe. Nhưng một số Khán giả thì cho rằng Thanh Lam đã tạo nên một cảm giác mới mẻ, thời đại cho ca khúc sử thi này.
 Hội đồng bình luận "Giai điệu tự hào tháng 4"
Bài hát "Gửi em chiếc nón bài thơ" (Thơ: Sơn Tùng; nhạc: Lê Việt Hòa; thể hiện: Đăng Thuật) được đặt trong chương trình, ở phần kết nhờ hoàn cảnh ra đời khá kỳ lạ, nó như là một dự cảm về chiến thắng năm 1975 dù đã được sáng tác trước đó 20 năm - khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước mới chỉ vừa bắt đầu.

Vào 21h40 ngày 29/4/2017 chương trình "Giai điệu tự hào tháng 4" mang chủ đề “Gửi em chiếc nón bài thơ” sẽ được phát sóng trên kênh VTV1.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần