Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp (do Đỗ Trọng Quang và Trần Đỉnh dịch sang tiếng Việt), là cách trò chuyện của một trí thức bản địa với những độc giả, giới nghiên cứu Pháp.
Sách cung cấp thông tin một cách khoa học về các dịp Tết của Việt Nam như Nguyên đán, Thanh Minh, Đoan ngọ, Trung thu... hay đưa độc giả đắm mình trong không khí của những lễ hội. Các tập tục như thờ cúng thần tiên, thành hoàng làng, các húy kỵ, các vị thần tiên gốc Việt... được mô tả, phân tích trong sách. Thông qua những cuộc trò chuyện về văn hóa, phong tục tập quán, cuốn sách còn giúp người đọc hiểu một thông điệp sâu sắc rằng sự đa dạng văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng làm nên những giá trị bền vững. Tiếp nữa, là sự quan tâm đặc biệt tới tục thờ thần tiên. Sau cùng, là một vài tiểu luận về văn hóa Tày, y phục Việt, việc chôn cất người chết... Không chỉ để lại một kho tàng sử liệu quý báu, những nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên còn thể hiện Việt Nam là một nền văn minh với những giá trị riêng chứ không phải sao phỏng hay cần được khai hóa từ bất kỳ một nền văn minh nào khác. Tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Văn Huyên gắn với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, ông cũng là người có đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục nước nhà. Năm 1995 – 1996, NXB Khoa học xã hội đã tuyển chọn những công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên, dịch và in thành các tập, nhưng do số lượng in không nhiều nên chỉ có một số ít độc giả có điều kiện được tiếp cận. Chính vì thế, sau nhiều năm Công ty CP Văn hóa và truyền thông Nhã Nam đã tái bản những công trình này dưới dạng sách. “Hội hè lễ Tết của người Việt” là cuốn sách thứ hai được tái bản trong dự án phục dựng này.