Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Luật gia tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi tình hình trên thực địa ở khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam cộng đồng quốc tế cũng như các phương tiện truyền thông toàn cầu tiếp tục có những hành động thiết thực nhằm phản đối hành động trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc

Hội Hữu nghị Pháp - Việt (Pháp), Hội Hữu nghị Đức - Việt (Đức), Hội Hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam (Thụy Sỹ), Hội Hữu nghị Galicia (Tây Ban Nha), Hội Hữu nghị Anh - Việt (Anh), Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt Nam (Đan Mạch), Ủy ban của Thụy Điển về Việt Nam, Lào và Campuchia (Thụy Điển), Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam (Italia) vừa ra bản tuyên bố chung phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam đưa ra bản tuyên bố thứ 3, ngày 25/6 phản đối Trung Quốc leo thang gây thêm nhiều căng thẳng.     Ảnh: Phạm Hùng
Hội Luật gia Việt Nam đưa ra bản tuyên bố thứ 3, ngày 25/6 phản đối Trung Quốc leo thang gây thêm nhiều căng thẳng. Ảnh: Phạm Hùng
Trước tình trạng căng thẳng gia tăng hiện nay trên Biển Đông, các Hội hữu nghị tại các nước châu Âu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc leo thang căng thẳng, đồng thời khẳng định việc phân định về lãnh thổ và chủ quyền tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể giải quyết bằng các hành động khiêu khích, vũ lực cũng như thông qua việc tạo tình trạng đã rồi từ một phía. Tuyên bố chung nhấn mạnh, luật pháp quốc tế phải được đặt lên hàng đầu và trong các tranh chấp về biên giới, thì các chứng cứ về chủ quyền lịch sử dựa trên sự phân định và thống nhất các khu vực lãnh thổ sẽ được tính đến. Đối với chủ quyền biển phải áp dụng các nguyên tắc, quỵ định và khuyến nghị của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã phê chuẩn. Theo luận điểm này, Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế hiện hành, gây sức ép lên các nước láng giềng để đạt được mục đích của mình và đây là điều không thể chấp nhận được.

Hội hữu nghị ở các nước châu Âu kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan Hải Dương - 981 cũng như đội tàu hộ tống của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; Chấm dứt tất cả các hành động vũ lực để tạo ra tình trạng đã rồi trên Biển Đông; Thực hiện các nghĩa vụ mà Trung Quốc đã ký kết trong thỏa thuận năm 2002 về cách hành xử để tạo điều kiện cho sự hợp tác và giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế.

Sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ

Ngày 25/6, Hội Luật gia Việt Nam có bản tuyên bố lần thứ 3 phản đối Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Bản tuyên bố nêu rõ, sau khi Hội ra tuyên bố đầu tiên cực lực phản đối Trung Quốc hôm 9/5, bất chấp sự phản đối và mọi nỗ lực thiện chí, Trung Quốc vẫn ngang nhiên có nhiều hành động leo thang căng thẳng. Các tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay, đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công suất lớn, dùng súng bắn nước nhắm thẳng vào tàu Việt Nam, làm hư hỏng thiết bị, gây thương tích cho các kiểm ngư viên và ngư dân Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/6, tàu Trung Quốc ngay khi phát hiện lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang cố gắng tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 thì ngay lập tức bám đuổi và chủ động đâm húc tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam gây hư hỏng nặng. 

Trước những diễn biến đang xảy ra trên Biển Đông, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục ra tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ mọi hành động của Trung Quốc cố tình cản trở và chủ động tấn công đối với tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Đồng thời, phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam; chấm dứt các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của công dân Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam... Hội Luật gia cũng khẳng định, nếu Trung Quốc cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế, cố tình vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Hội kiên quyết đề nghị Chính phủ Việt Nam sử dụng các biện pháp pháp lý hợp pháp theo pháp luật quốc tế để giải quyết tình trạng vi phạm leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông.