Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN: Tiến hay lùi?

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Lào chủ trì tổ chức hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, các hội nghị liên quan thường niên như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các hội nghị giữa ASEAN với đối tác.

Kết quả những hội nghị này ở Lào có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN với các nước đối tác tổ chức hàng năm thường vào cuối mùa Thu. Năm nay, các hội nghị này bị tác động chi phối mạnh mẽ từ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines với nội dung chính là bác bỏ hoàn toàn mọi yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đã nêu và đang tiếp tục thực hiện bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông. ASEAN đánh giá phán quyết này và xử lý tác động của phán quyết này như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ của ASEAN với Trung Quốc.

Phán quyết của PCA tạo ra cơ sở, khuôn khổ và tiêu chí pháp lý quốc tế mới bất lợi đối với Trung Quốc ở khu vực này. Trung Quốc và một số thành viên ASEAN ủng hộ Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để cản trở ASEAN đưa ra đánh giá chung, nhận thức chung và quan điểm thái độ chung về phán quyết của PCA. ASEAN theo đó sẽ khó có quan điểm, thái độ chung do không đạt được sự đồng thuận cần thiết hoặc chỉ có thể thể hiện quan điểm thái độ hoan nghênh và đồng tình với phán quyết vừa qua của PCA. Cũng chính vì thế mà chuyện ASEAN bàn về tác động của phán quyết của PCA và quan hệ với Trung Quốc là chủ đề nội dung được quan tâm đến hàng đầu ở các hội nghị của ASEAN ở Lào. Đương nhiên, các thành viên ASEAN bàn bạc với nhau và với các nước đối tác về nhiều chuyện khác nữa, động chạm đến khu vực cũng như thế giới. Nhưng ở chuyện thể hiện công khai nhận thức và thái độ về phán quyết vừa qua của PCA tại các hội nghị ở Lào năm nay sẽ cho thấy rất rõ ASEAN sẽ tiến hay lùi trong quá trình tiếp tục phát triển vào tương lai, đã rút ra được những bài học cần thiết cho chính mình từ chuyện nước Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu hay tiếp tục "xơ cứng" trước nhu cầu phải tự điều chỉnh và thay đổi thích hợp.

ASEAN đang phải trực diện thách thức mới mà nếu không vượt qua được thì hiệp hội khó đạt được bước tiến triển mới bởi sẽ ngày càng nặng về hình thức mà nhẹ trong thực chất, và chưa thể xứng đáng là một chỗ dựa về phát triển và chính trị an ninh cho các thành viên.