Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36: Tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế nội khối

Đỗ Hương - Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế nội khối là một thách thức lớn với cả khối ASEAN trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các nước ASEAN sẽ dần tìm ra giải pháp theo hướng tăng cường sự hợp tác giữa các bên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết như vậy.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: Báo Quốc tế.

Tận dụng thị trường nội khối
Tại cuộc họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 23/6, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết so với khối EU, giao dịch nội khối trong ASEAN rất thấp, cụ thể, thương mại nội khối chiếm khoảng hơn 20% trong tổng giá trị thương mại của ASEAN.
“Việc này tồn tại không phải là ngoài ý muốn của các nước trong khối. Các nước ASEAN vẫn muốn tăng cường kinh tế nội khối, nhưng do cơ cấu về hàng hóa, tập quán làm ăn, hợp tác với các đối tác nên hợp tác kinh tế của ASEAN với các đối tác các nước ngoài khu vực nhiều hơn so với trong khối với nhau”, ông Dũng cho biết.
Tăng cường kinh tế, thương mại nội khối ASEAN theo hướng “gắn kết và chủ động thích ứng” là một trong những ưu tiên khi Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Để tăng cường kinh tế nội khối, các nước trong khối cần có nhiều biện pháp chia sẻ, hợp tác trong đó có vấn đề liên quan đến thuế quan, hàng rào phi thuế quan đang dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước. Đây là vấn đề các nước đã từng đề cập đến khi tìm giải pháp nhằm đẩy mạnh kinh tế nội khối hơn nữa. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc đến lợi ích của DN và của mỗi nước nên đây không phải là vấn đề đơn giản.
Tăng cường kinh tế, thương mại nội khối ASEAN theo hướng “gắn kết và chủ động thích ứng” là một trong những ưu tiên khi Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế đánh giá tiềm năng hợp tác nội khối ASEAN là rất lớn. Khu vực đã có những sáng kiến cũng như các cam kết quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này.
Hiện nay, hầu hết thuế quan giữa các nước ASEAN đều bằng không, lĩnh vực đầu tư và dịch vụ được đặc biệt chú trọng. ASEAN cũng đang hướng tới các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay các hiệp định kinh tế với các đối tác ASEAN +1.
Hiệp định RCEP kỳ vọng được ký kết trong năm 2020
Liên quan đến phiên thảo luận Hiệp định RCEP tại Hội nghị Cấp cao lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá RCEP là một ưu tiên của ASEAN. Hiện nay có 16 nước cơ bản đã đàm phán xong hiệp định này trừ Ấn Độ đã rút khỏi vòng đàm phán. Với mong muốn Ấn Độ sẽ tham gia cùng với các nước khác, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra tính đến các nội dung bổ sung để Ấn Độ có thể tham gia. Các nước khác còn lại rất quyết tâm và kỳ vọng có thể đi đến ký kết hiệp định RCEP trong năm nay.
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng Covid-19 không biên giới, ASEAN được tin hoàn toàn có thể đánh bại “kẻ thủ vô hình” này, đặc biệt là giảm bớt các tác động kinh tế tiêu cực, thông qua việc phối hợp hành động và phát huy vai trò lãnh đạo trong khu vực. Để thành công, theo ông Venkatachalam Anbumozhi - Chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 26/6 tới cần đạt được ít nhất 3 mục tiêu quan trọng.
Đầu tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải cho thấy tinh thần sẵn sàng hợp tác, làm việc cùng nhau để thực hiện kế hoạch khu vực đã được công bố trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt hôm 14/4. Điều này bao gồm việc chia sẻ các kinh nghiêm thành công trong điều trị hoặc điều chế vaccine của bất cứ quốc gia thành viên nào, từ đó thúc đẩy việc sản xuất và cung ứng để đáp ứng nhu cầu của khu vực và thế giới.
Thứ hai, ASEAN có thể thể hiện sự lãnh đạo trong việc kích thích nền kinh tế toàn cầu, bằng cách nhanh chóng đẩy lùi các hạn chế thương mại phát sinh trong đại dịch và tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). “Kinh nghiệm trong 3 năm qua cho thấy thuế quan có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, việc kết thúc các cuộc đàm phán RCEP sẽ giúp vực dậy niềm tin kinh doanh và kích thích tăng trưởng - một phát súng rất cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm xảy ra đại dịch này” - ông Anbumozhi giải thích.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các nhà lãnh đạo ASEAN được cho cần đưa ra một kế hoạch kích thích tài khóa đồng bộ và lớn hơn những gì 10 nước thành viên từng công bố. Cả 2 biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ nên được thiết kế để hướng mục tiêu đẩy lùi suy thoái kinh tế kéo dài trên toàn thế giới, đồng thời bảo đảm an toàn cho mạng lưới sản xuất của ASEAN. Các biện pháp kích thích cũng có thể là một cơ hội để đầu tư vào chuyển đổi kinh tế và đổi mới công nghệ cần thiết để mang lại sự phát triển bền vững.
Nếu đạt được, các cam kết nói trên sẽ cải thiện đáng kể niềm tin của DN và nhà đầu tư về khả năng ASEAN có thể vượt qua các thách thức kinh tế chưa từng có do đại dịch gây ra.
Lần đầu thảo luận về sáng kiến tăng quyền phụ nữ
Hội nghị cấp cao lần này sẽ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN bàn chính thức về các giải pháp, sáng kiến tăng quyền của phụ nữ trong thời đại số. Tại phiên thảo luận này, các nhà lãnh đạo nữ trên thế giới và Việt Nam được mời đến để đánh giá quyền phụ nữ hiện nay ra sao và để các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận và đưa ra các sáng kiến tăng quyền phụ nữ.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, để tăng cường quyền cho phụ nữ, trước hết cần xem xét tính pháp lý, rà soát các quy định của ASEAN đã có và thiếu mà chưa đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ. Ngoài ra, hiện nay có những hoạt động trao đổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để các nước tham khảo nhằm tạo thói quen ứng xử trong cộng đồng.