Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”: Thông điệp mạnh mẽ trong kêu gọi đầu tư

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 22/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban cán sự đảng UBND TP về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Tham dự cuộc làm việc có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc.
Theo báo cáo về công tác chuẩn bị của Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hội nghị dự kiến sẽ diễn ra vào sáng ngày 27/6 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho hội nghị đã được hoàn tất. Theo đó, hội nghị dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.800 đại biểu, DN tham dự.
UBND TP đã lập danh mục dự án dự kiến trao 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng. Trong đó, có 100  dự án trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn 225.583 tỷ đồng, vốn tăng thêm là 162.930 tỷ đồng; 16 dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất với tổng số vốn 114.087 tỷ đồng, vốn tăng thêm là 103.299 tỷ đồng. 116 dự án này được phân bổ theo các lĩnh vực: Nhà ở  đô thị, trụ sở văn  phòng, du lịch- dịch vụ, công nghiệp, văn xã, hạ tầng kỹ  thuật (các cụm, khu công nghiệp, làng nghề), tài chính- ngân  hàng. Ngoài ra, TP cũng kêu gọi đầu tư vào 282 dự án chưa có nhà đầu tư đăng ký tại hội nghị các năm 2016, 2017, 2018 với tổng vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 22/6/2020, UBND TP nhận được 36 đề xuất Biên bản ghi nhớ hợp tác của các tổ chức, DN, nhà đầu tư (33 đề xuất liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất và 5 đề xuất liên quan đến dự án đầu tư không sử dụng đất) với tổng giá trị ký kết khoảng 26,079 tỷ USD. Trong đó, có 23 đề xuất của các DN trong nước và 13 đề xuất của DN, tổ chức nước ngoài. 
Qua hội nghị, TP Hà Nội thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Hội nghị cũng là giải pháp căn cơ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, để thúc đẩy tăng trưởng; quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thủ đô, các địa phương trong vùng. Hà Nội phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước và thu ngân sách trên địa bàn đạt kế hoạch, dự kiến cả năm đạt khoảng 285.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, quá trình chuẩn bị cho Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được các đơn vị triển khai từ tháng 2/2020, khi Hà Nội và cả nước đang lo chống dịch Covid-19. Trong số các dự án trao quyết định chủ trương đầu tư đợt này, có nhiều dự án đã được TP và nhà đầu tư ký cam kết tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư trước đó.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến.
Theo Bí thư Thành ủy, hội nghị được tổ chức vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, thể hiện trách nhiệm của TP trong triển khai chỉ đạo của T.Ư về thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Qua hội nghị cũng cho thấy thông điệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là điểm đến an toàn, hấp dẫn. 
“Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện của Hà Nội hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, hướng tới Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của TP, chào mừng 1010 năm Thăng Long Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây cũng là hoạt động TP hướng tới hoàn thành chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, để Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Để chuẩn bị tốt cho hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị, UBND TP và các đơn vị liên quan cần bổ sung, hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn, an ninh; bảo đảm giao thông thông suốt; bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; hoàn thiện thiết kế, trang trí… để tạo không khí và góp phần vào thành công của hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND TP cho thấy, 5 tháng đầu năm 2020, thu hút đầu tư nước ngoài của TP đạt 1.056 triệu USD. Trong đó, cấp mới 264 dự án với vốn đầu tư đăng ký 334 triệu USD; 67 lượt dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký 381,17 triệu USD; 475 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam với trị giá 341,5 triệu USD. Đối với thu hút đầu tư trong nước, quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư 29 dự án; tổng số vốn phê duyệt và tăng thêm 9.058 tỷ đồng. Cấp Giấy chứng nhận 12.260 DN thành lập mới, vốn đăng ký 181,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10% về số lượng DN nhưng tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ); 3.669 DN hoạt động trở lại (tăng 24% cùng kỳ)…