Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị thượng đỉnh ASEM 2016: Lo khủng bố và Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực PCA tại The Hague (Hà Lan) vừa đưa ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines - Trung Quốc tại Biển Đông và cuộc tấn công khủng bố mới nhất tại Nice (Pháp), chống khủng bố và giải quyết tranh chấp biển là trọng tâm chính của hội nghị năm nay.

Mối lo khủng bố bao trùm

Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) năm nay (15 - 16/7) đánh dấu kỳ họp lần thứ 20, được cho là dịp để gia tăng hợp tác trong khu vực Á - Âu và tìm kiếm biện pháp tăng cường hệ thống nhất quán toàn cầu trong thương mại và các vấn đề dân sự. Tuy nhiên, vụ tấn công tại Nice, Pháp đã phủ bóng lên phiên khai mạc ASEM tại Mông Cổ hôm 15/7. Nỗ lực chống khủng bố trước đó đã được đưa vào chương trình thảo luận, nhưng trở nên cấp bách hơn sau vụ tấn công ngay trong lễ mừng Quốc khánh tại Nice, khiến ít nhất 84 người thiệt mạng. Cuộc khủng bố mới nhất đã đặt toàn bộ nước Pháp dưới mối đe dọa khủng bố, theo lời Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tình trạng khẩn cấp của nước Pháp đã được kéo dài thêm 3 tháng, chưa tròn một năm sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 13/11 năm ngoái khiến  130 người thiệt mạng.
Lãnh đạo thế giới tại ASEM tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công tại Nice (Pháp).
Lãnh đạo thế giới tại ASEM tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công tại Nice (Pháp).
Mở đầu hội nghị, lãnh đạo và đại diện các chính phủ đã dành một phút mặc niệm cho những nạn nhân trong vụ tấn công đêm hôm 14/7, để chia sẻ niềm đau thương mà nước Pháp phải gánh chịu. Ông Hollande đã gọi vụ việc là hành động tấn công khủng bố, trong khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án, hành động “khủng bố hèn nhát” nhắm vào người vô tội này là không thể tha thứ. Bên cạnh vấn đề chính trị, hội nghị ASEM năm nay là cơ hội đầu tiên để châu Âu và các nhà lãnh đạo châu Á thảo luận về phương thức tối ưu bảo vệ nền kinh tế toàn cầu từ hệ quả của cuộc bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh vào tháng trước.

Thất bại trên trường ngoại giao của Trung Quốc

Hội nghị ASEM 2016 là hội nghị quốc tế đầu tiên sau khi Tòa Trọng tài thường trực PCA tại The Hague (Hà Lan) kết luận, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “Đường Chín Đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nhằm theo đuổi yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh kỳ vọng sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh ASEM như một cơ hội để giới thiệu các sáng kiến ​​toàn cầu - một kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng dự án hạ tầng tại khu vực Á - Âu và lấp liếm đi vấn đề Biển Đông. Trước đó, quan chức ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố ASEM không phải là “nơi thích hợp” để bàn về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, tại hội nghị lần này,  Trung Quốc phải đối mặt với nhiều phản ứng từ dư luận quốc tế. Hành động bác bỏ phán quyết của tòa và cho rằng tòa không có thẩm quyền, đồng thời tiếp tục ngăn cản ASEM đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự của “gã khổng lồ” châu Á đã bất thành. Các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục đề cao sự thiết yếu của việc tôn trọng các khuôn khổ pháp lý toàn cầu. “Việc đối thoại và cam kết mạnh mẽ đối với luật pháp quốc tế là cần thiết’ - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk khẳng định. Trong khi đó, đại diện Philippines - quốc gia khởi xướng vụ kiện cho biết, vấn đề này sẽ được đưa ra hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Ngoại trưởng Perfecto Yasay, Philippines sẽ bàn thảo các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế đối với tranh chấp của Manila và sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết của các bên liên quan.  Trả lời báo chí quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho hay, Việt Nam tham gia bàn thảo tích cực về các mặt của vấn đề tại hội nghị. Ông Phạm Bình Minh cũng bày tỏ sự hoan nghênh với phán quyết của tòa PCA. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thể hiện quan điểm thống nhất với các nước khu vực về việc cần có một giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan đến Biển Đông trong phát biểu tại Ulaan Baatar, Mông Cổ. “Chúng ta nên tôn trọng các quy định luật pháp và giữ nguyên tắc không đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" - ông Abe nói.

Tờ Kyodo News (Nhật Bản) dẫn lời các nhà ngoại giao thiết lập chương trình nghị sự cho biết, các nhà lãnh đạo tái khẳng định việc đảm bảo nguyên tắc không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển, tờ Kyodo News đưa tin.

Những chỉ trích nhắm đến Trung Quốc khi nước này đang tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn và xây dựng hình ảnh một cường quốc mới nổi, cũng đồng nghĩa với một thất bại của Bắc Kinh trên sân khấu ngoại giao toàn cầu.