Điều này dấy lên nhiều hoài nghi về sức ảnh hưởng của khối với các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu như mong muốn ban đầu.
Mặc dù chiếm gần 1/2 dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu (tương đương 16.600 tỷ USD), các thành viên BRICS kỳ vọng khối các nền kinh tế mới nổi sẽ tạo ra các thể chế kinh tế đối trọng tương xứng với các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, mỗi nước hiện đang phải đương đầu với những thách thức của riêng mình.
Từ trái qua: Tổng thống Brazil Temer, Thủ tướng Ấn Độ Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Hội nghị BRICS> |
Nga gặp ảnh hưởng kép từ giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây vì khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc vấp phải sự giảm tốc, tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua. Brazil vẫn bị ngập trong khủng hoảng chính trị và suy thoái kinh tế thời gian qua. Trong số các nước thành viên, chỉ có nền kinh tế Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng ở top đầu (7,5%) nhưng lại gặp phải bất ổn do cuộc chiến với phiến quân ở Kashmir gây ra. Thách thức “trùng điệp” như vậy khiến thành quả từ sự hợp tác chung của cả khối gặp nhiều bất trắc.
Trong bối cảnh nói trên, cuộc gặp mặt song phương của các lãnh đạo trong khối BRICS nhằm tìm kiếm lợi ích riêng lại trở nên sôi động hơn các cuộc gặp đa phương. Đơn cử như việc Trung Quốc mong muốn BRICS chấp thuận một thỏa thuận thương mại tự do để mở cửa thị trường hơn nữa. Tuy nhiên, đề xuất này khó có thể được chấp nhận khi các nước vốn đã phải gánh chịu sức ép từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Bắc Kinh. Về chính trị, từng nước thành viên cũng kêu gọi sự ủng hộ từ 4 nước còn lại đối với quan điểm của mình trong các vấn đề riêng trong khu vực. Với Nga là cuộc khủng hoảng Syria, với Trung Quốc là vấn đề Biển Đông và Ấn Độ là cuộc chiến chống khủng bố. Bên cạnh đó, Moscow và New Delhi cũng tranh thủ hoàn tất thỏa thuận bàn giao hệ thống phòng thủ S-400 tân tiến của Nga cho đồng minh bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Mặc dù vậy, mục tiêu lâu dài của khối là xây dựng đối trọng kinh tế mới vẫn được lưu tâm. Vừa qua, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) được khởi xướng bởi các nước thuộc nhóm BRICS đã nhất trí tăng các khoản vay lên 2,5 tỷ USD và phát hành trái phiếu có giá trị lên đến 3 tỷ Nhân dân tệ (450 triệu USD) vào năm tới. Kể từ khi thành lập, NDB đã chấp thuận các khoản vay tổng cộng lên đến 900 triệu USD cho các dự án xanh ở mỗi nước thành viên. Ở chiều ngược lại, BRICS đang thúc đẩy Trung Quốc đầu tư nhiều hơn những thành viên khác, nhất là đối với các dự án hạ tầng. Riêng Tổng thống Vladimir Putin mời gọi doanh nhân các nước BRICS hợp tác tích cực hơn với các công ty nước này. NDB được kỳ vọng “vũ khí” để cạnh tranh với các tổ chức tiền tệ hiện nay là Ngân hàng Thế giới (WB) để phát huy ảnh hưởng của khối này trong hệ thống tài chính toàn cầu.