Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và đại diện của 33 nước thành viên CELAC khẳng định mong muốn hợp tác, đóng góp nỗ lực chung để đạt được sự hội nhập lớn mạnh hơn trong khu vực, đối mặt với những thách thức của thời đại và thúc đẩy phát triển đưa Mỹ Latinh trở thành một khu vực phồn thịnh.
Các nước thành viên nhất trí cho rằng cần phải thúc đẩy hơn nữa công tác trao đổi kinh nghiệm, những cam kết và quyết tâm chính trị trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngoài ra, liên kết khu vực cũng cần phải tạo điều kiện cho việc ra đời những thỏa thuận song phương và đa phương thông qua việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên và cơ hội kinh doanh.
Lãnh đạo các nước cũng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng đoàn kết trong sự đa dạng và liên kết ở khu vực là lựa chọn khả thi duy nhất đối với Mỹ Latinh và Caribe, mở ra con đường để đưa các nước tiếp tục phát triển một cách bền vững, cũng như củng cố vị thế của khu vực trên các diễn đàn quốc tế.
Ngoài ra, hội nghị cũng đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Cuba với tư cách là Chủ tịch luân phiên của khối trong suốt thời gian qua, giúp cho hoạt động của CELAC ngày càng được mở rộng và mang tính thực tiễn.
Hội nghị CELAC cũng thông qua một loạt các văn kiện đặc biệt, trong đó đáng chú ý là kế hoạch hành động năm 2014, tuyên bố Mỹ Latinh và Caribe là khu vực hòa bình, thành lập Diễn đàn hợp tác CELAC-Trung Quốc, ủng hộ cuộc đối thoại hòa bình ở Colombia, ủng hộ Argentina tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Malvinas/Falkland, phản đối cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba…
Trong tuyên bố chung khẳng định Mỹ Latinh và Caribe là khu vực hòa bình, các nước thành viên CELAC cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp Quốc tế, khẳng định một lần nữa nguyên tắc gìn giữ hòa bình là yếu tố then chốt cho tiến trình hội nhập Mỹ Latinh và Caribe.
Tuyên bố nêu rõ các nước thành viên phản đối "việc sử dụng vũ lực và các biện pháp phòng thủ không chính đáng như vũ khí hủy diệt và đặc biệt là vũ khí hạt nhân với danh nghĩa tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột." CELAC cam kết tiếp tục thúc đẩy giải trừ hạt nhân, coi đây là một mục tiêu ưu tiên của khu vực.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch nước chủ nhà Raul Castro nhấn mạnh những văn kiện được thông qua tại hội nghị lần này là minh chứng về những cam kết chung của tất cả các nước thành viên với những giá trị và mục tiêu hoạt động của CELAC bất chấp những khác biệt về thể chế chính trị, phát triển kinh tế.
Nhà lãnh đạo Cuba cho biết các nước đều chung quan điểm cho rằng để giải quyết triệt để tình trạng đói nghèo ở khu vực thì cần phải thay đổi trật tự kinh tế thế giới hiện nay, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, cũng như yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh những nghĩa vụ vì mục tiêu phát triển.
Chủ tịch Raul Castro cũng chính thức chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên của CELAC trong năm 2014 cho Tổng thống Costa Rica Laura Chinchilla.
CELAC ra đời năm 2011 theo ý tưởng của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez với sự tham gia của tất cả các nước ở châu Mỹ, trừ Mỹ và Canada.
CELAC đặt mục tiêu đối trọng với Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), tổ chức bị các nước Mỹ Latinh cáo buộc là công cụ để Washington chi phối cả khu vực.
Toàn cảnh hội nghị CELAC ngày 28/1.
|