Trước khi cuộc họp diễn ra, thông tin Tây Ban Nha thoát khỏi suy thoái và kinh tế Anh đã đánh dấu sự phục hồi ấn tượng nhất trong vòng 3 năm qua với 0,8% tăng trưởng GDP trong quý III/2013 khiến nhiều nhà phân tích nhận định cuộc họp sẽ bàn thảo về vấn đề tăng trưởng và việc làm; liên minh kinh tế - tiền tệ của khối và cách thức thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, Hội nghị có sự tham gia của 28 lãnh đạo hàng đầu EU diễn ra 3 tháng/lần đã thất bại trong việc đẩy mạnh các chương trình hội nhập sâu hơn về chính trị và tài chính. Rất có thể những tiến triển gần đây về kinh tế khiến châu Âu sau 4 năm mệt mỏi để đối phó với nợ công, suy thoái cảm thấy mệt mỏi và dần lơ là với những cảnh báo từ thị trường. Ngay cả Tây Ban Nha, trong niềm hân hoan thoát khỏi suy thoái với GDP quý III/2013 tăng lần đầu tiên sau 9 quý, nỗi lo sụp đổ nền kinh tế vẫn còn đó khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao "ngất ngưởng". Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong quý III/2013 tuy đã giảm 0,2% so với quý trước nhưng vẫn ở mức "báo động đỏ" là 26,1%.
Trong khi đó, ngày 27/10, hàng ngàn người Bồ Đào Nha lại xuống đường tại thủ đô Lisbon và một số TP khác phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ trong dự thảo ngân sách năm 2014. Đây là cuộc biểu tình thứ 2 ở Bồ Đào Nha kể từ khi chính phủ công bố dự thảo ngân sách ngày 15/10 gồm các biện pháp khắc khổ hơn như cắt giảm lương hưu và cắt giảm lương công chức. Giữa lúc Bồ Đào Nha đang thực hiện một chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt bị nhiều người quy trách nhiệm là đã làm sâu sắc thêm suy thoái trong nước, tình hình Italia cũng không khá hơn và rất có thể núi nợ công chất ngất của Roma và tình hình chính trị bất ổn tại đây sẽ đẩy EU vào vòng nguy hiểm mới.
Các số liệu khảo sát được tiến hành trong bốn tháng liên tiếp đến nay cho thấy, tốc độ tăng trưởng hàng quý của Eurozone trong đầu quý IV là 0,2%, mức độ phục hồi liên tục, song có phần chậm chạp. Không những thế, thị trường việc làm của Eurozone vẫn còn yếu, giảm tháng thứ 22 liên tiếp, với tỷ lệ thất nghiệp không cải thiện so với tháng 9. Bản thân Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng khẳng định, sự phục hồi trong khối vẫn còn "yếu, mong manh và không đồng đều". Và trong một nỗ lực để xây dựng hệ thống tài chính đủ mạnh cho EU, Ngân hàng T.Ư châu Âu hôm 23/10 đã thông báo kế hoạch rà soát bảng quyết toán cũng như sát hạch khả năng chống đỡ các cú sốc của 128 ngân hàng ở Eurozone trong vòng một năm.
Các đại biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu.
|