Kể từ sau cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, rất nhiều người đã không còn có thể gặp hay biết được tin tức gì về người thân của họ. Đa số những người bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên đã lớn tuổi. Những người này đang hy vọng rằng hội nghị liên Triều lần này sẽ giúp họ có thể đoàn tụ với người thân của mình.
Ông Kwon Moon-kook, 87 tuổi, là một trong số đó. Ông Kwon chỉ 19 tuổi khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Kể từ đó, ông bị chia cắt với cha mẹ và 2 người em trai đến tận bây giờ.
Trong quá khứ, khi hai miền Bắc - Nam vẫn còn liên lạc, tôi đã thu thập quần áo cũ để đưa cho anh chị em của tôi ở Triều Tiên nhưng giờ thì vô ích", ông Kwon nói.
Ông Kwon gia nhập một đơn vị xe tăng thuộc quân đội Triều Tiên 3 tuần sau khi chiến tranh nổ ra. Sau một tuần huấn luyện, xe tăng thuộc đơn vị ông tiến sang Hàn Quốc nhưng bị quân đội Mỹ đánh bại.
Sợ hãi trước cái chết và tin rằng, quân Mỹ sẽ dễ dàng giành chiến thắng, ông đào ngũ và gia nhập thủy quân Mỹ.
Ông nhắn với cha mẹ rằng, sẽ gặp lại họ trong một tuần nữa, nhưng kể từ đó đến nay đã gần 70 năm và ông vẫn chưa hề nghe được tin tức gì về gia đình, kể cả 2 người em trai. "Nếu tôi biết đó là lần cuối cùng ông được nhìn thấy gia đình thì tôi đã không bao giờ bỏ đi", ông nói, không kìm được nước mắt.
Những câu chuyện như Kwon là một lời nhắc nhở cay đắng và tàn nhẫn về những đau khổ mà người dân hai miền phải chịu đứng bởi chiến tranh.
Ông Kwon chỉ là một trong số rất nhiều người bị chia cắt bởi chiến tranh. Theo số liệu mới nhất từ chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 3, kể từ năm 1988 đã có 131.447 người ghi danh vào diện bị chia cắt gia đình. Khoảng 73.611 người đã chết. Và 1/4 trong số này vẫn còn sống nhưng đã hơn 90 tuổi.
Chỉ có rất ít người trong số này có may mắn được gặp lại người thân của mình. Kể từ năm 2000, trong những thời điểm quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trở nên tích cực hơn, đã có khoảng 20 cuộc đoàn tụ gia đình được tổ chức, với khoảng 100 người mỗi lần. Những cuộc tái hợp này luôn tràn đầy cảm xúc, mặc dù họ sẽ lại phải xa cách chỉ sau vài ngày.
Có lẽ ít ai có thể cảm nhận sâu sắc nỗi buồn này như Tổng thống Moon Jae-in. Vì ông Moon cũng là con trai của một gia đình tị nạn từ Triều Tiên.
Ông Moon cũng đã cùng mẹ của mình tham gia vào cuộc đoàn tụ được tổ chức vào năm 2004. Đó là lần đầu tiên mẹ ông được gặp lại em gái mình sau chiến tranh, và cũng là lần đầu tiên ông được gặp dì của mình.
Nhưng ông Kwon thì không được may mắn như vậy. Ông không bao giờ dám đăng ký trong những cuộc đoàn tụ này, vì ông lo sợ cha mẹ mình sẽ bị trừng phạt bởi ông đã đào ngũ. Cha mẹ của ông có thể đã qua đời, nhưng ông vẫn hy vọng gặp được 2 người em trai, khi đó mới chỉ 12 và 15 tuổi.
Hiện nay ông Kwon đã có một gia đình lớn với 4 người con và 9 người cháu. Vợ ông cũng là một người bị chia cắt khỏi gia đình trong chiến tranh. Dù vậy, chưa có ngày nào ông không nghĩ về gia đình của mình, những người đã bị ly tán bởi chiến tranh khi mà ông chỉ mới vừa trưởng thành.
Cũng như hàng nghìn người khác, ông Kwon định cư tại làng Abai ở phía Đông khu vực phi quân sự, với hi vọng có thể dễ dàng trở về nhà khi có cơ hội. Nhưng đến nay cơ hội ấy vẫn chưa xuất hiện. Ở nơi đây, bằng việc tìm kiếm hình ảnh về ngôi nhà và trường học cũ của mình thông qua Google, ông cảm thấy phần nào gần gũi hơn với gia đình của mình.