Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ: Nhiều kinh nghiệm hay được chia sẻ

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/11, tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ ba, nhiệm kỳ 2016 – 2021, lãnh đạo HĐND các tỉnh, TP đã trao đổi, đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả chức năng quyết định của HĐND.

Từ thực tế các hoạt động ở địa phương, Thường trực HĐND các tỉnh, TP trao đổi nhiều vấn về kinh nghiệm, các giải pháp thiết thực của các địa phương nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền nhà nước ngày càng vững mạnh, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. 
Linh hoạt trong quyết định vấn đề giữa hai kỳ họp

Nhấn mạnh đến những nét đổi mới của HĐND các tỉnh, TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trưởng Ban công tác đại biểu (UBTV Quốc hội) Trần Văn Túy nhận định: HĐND đã lựa chọn đúng và quyết định nhiều vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các vấn đề quan trọng được quyết định tại kỳ họp là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống xã hội ở địa phương, tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND vẫn còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc từ quy định pháp luật như thẩm quyền của Thường trực trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp...
 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Hội nghị.
Theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND họp thường kỳ mỗi tháng một lần để thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây là nội dung đang được các địa phương quan tâm trao đổi vì còn nhiều ý kiến và cách làm khác nhau từ hình thức, nội dung, công tác tổ chức. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Bích, ngoài những vấn đề lớn, có ảnh hưởng rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau đều đưa kỳ họp toàn thể HĐND, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND TP đã quyết định hơn 130 vấn đề theo căn cứ ủy quyền của một số luật chuyên ngành. Trong đó, phần lớn chủ trương đầu tư xem xét quyết định bởi Thường trực giữa 2 kỳ họp. Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng cũng đưa ra kinh nghiệm, trong trường hợp chưa có quy định ủy quyền cụ thể, có thể áp dụng nguyên tắc pháp luật để quyết định. Tuy nhiên, một điểm vướng là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều quy định liên quan đến ban hành văn bản của HĐND là hạn chế.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, Thường trực HĐND tỉnh cũng liên tục phối hợp với Tỉnh ủy, UBND để quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên địa phương. 
Nêu ra thực tế tại địa phương trong quyết định về thu chi ngân sách và đầu tư công, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết: Giữa hai kỳ họp, trước khi quyết định những nội dung do UBND tỉnh đề nghị, Thường trực HĐND tỉnh đều giao cho Ban Kinh tế- Ngân sách thẩm tra, họp liên ngành và tiến hành giám sát làm rõ. Trên cơ sở tham mưu của Ban, Thường trực HĐND tỉnh quyết định đúng và trúng các vấn đề, kịp thời và đúng quy định.

Phối hợp thực hiện Nghị quyết

Thường trực HĐND TP các tỉnh, TP cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong phối hợp giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với UBND cùng cấp trong triển khai thực hiện Nghị quyết, giải quyết được các vấn đề quan trọng, bức thiết, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt ở địa phương...
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình cho biết: Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban của HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện nghị quyết, phân công cán bộ theo dõi việc triển khai thực hiện nghị quyết để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết. Khi cần thiết phải đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và quy định của pháp luật để nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh thực sự chất lượng, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Yêu cầu UBND tỉnh hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh đã ban hành.
Kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy, sau khi Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, Thường trực HĐND yêu cầu các Ban HĐND được phân công thẩm tra phối hợp với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND rà soát, hoàn thiện Nghị quyết theo những nội dung đã được thông qua tại kỳ họp; sau đó trình Chủ tịch HĐND ký ban hành. Thời hạn ký ban hành Nghị quyết thực hiện theo quy định của Luật. Đồng thời, các Ban cũng xây dựng các chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Trong hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh, TP cũng trao đổi kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng quyết định của HĐND trong các lĩnh vực: thu, chi ngân sách và đầu tư công; phân cấp quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; lĩnh vực quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri; giải quyết những vấn đề dân sinh, bức xúc, an sinh xã hội ở địa phương. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị liên quan việc triển khai các luật, quy định liên quan đến hoạt động của HĐND. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các Ban HĐND cấp xã, vì thực trạng chung hiện nay là các ban đều hoạt động kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, hoạt động lúng túng, chưa hình dung được công việc mình làm...
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội trao cờ đăng cai Hội nghị lần thứ 4 cho Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, đơn vị đăng cai Hội nghị lần thứ 4.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: HĐND các tỉnh, TP đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cụ thể hóa các chính sách, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục rút kinh nghiệm. Trong đó, việc quyết định các chủ trương lớn cần bám sát điều kiện thực tế, phân tích điểm mạnh, yếu, để Nghị quyết đảm bảo tính khả thi. Lưu ý việc đánh giá tác động, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của vấn đề được quyết định. Các Nghị quyết phải đảm bảo ban hành đúng quy trình, đúng quy định. Các ĐB cũng cần thường xuyên tiếp xúc cử tri, nắm vững ý kiến, nguyện vọng của cử tri để phục vụ cho việc quyết định các vấn đề tại kỳ họp; nâng cao kỹ năng hoạt động của ĐB HĐND...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực HĐND tăng việc giám sát việc thực hiện các Nghị quyết; phát hiện kịp thời những vướng mắc để đưa ra hướng giải quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận những kiến nghị của các địa phương và khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đầy đủ để giúp nâng chất lượng hoạt động của HĐND.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội trao cờ đăng cai Hội nghị lần thứ 4 cho Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh, đơn vị đăng cai Hội nghị lần thứ 4.