“Việt Nam đã có quan hệ với 30 nước trong khuôn khổ quan hệ rất cao là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Chúng tôi tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó hầu hết các FTA thế hệ mới Việt Nam đều tham gia” - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân cho biết. Đồng thời ông nhấn mạnh, với đà hội nhập, mở cửa này thì trong nước phải chuẩn bị thật tốt hệ thống chính sách, hạ tầng, bao gồm hạ tầng về công nghệ số để Việt Nam có thể tham gia vào các sân chơi của thế giới một cách tự tin và thực chất hơn. Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có nghị quyết nâng cao tầm quan hệ đa phương của Việt Nam với tinh thần: Việt Nam không chỉ là quốc gia tích cực tham gia các cơ chế song phương, mà còn phải là một quốc gia vừa tích cực nhưng vừa chủ động tham gia các cơ chế đa phương. Trong đó, chủ động nêu các cơ chế đa phương, chủ động tham gia vào các sáng kiến đa phương. “Đây là một bước phát triển trong chủ trương đối ngoại của Đảng cũng như Chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới” - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân nêu rõ.Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ động từng bước chuyển dịch sang các nước có trình độ phát triển cao và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu có tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa trong nước. Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục lên tới 19,1 tỷ USD.Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Đồng thời cũng phân định rõ hơn vai trò, nội dung, yêu cầu và các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước trong phát triển và củng cố các quan hệ gắn kết giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo yêu cầu thị trường; Phát huy mạnh mẽ vai trò của các DN thuộc mọi loại hình sở hữu, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại; Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, phát triển mạnh thị trường nội địa; Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.Theo đánh giá chung của các chuyên gia, 2021 là năm bắt đầu thời kỳ “hậu Covid-19”, nên cũng là năm chuyển tiếp từ thời kỳ “bình thường mới” sang thời kỳ “bình thường” đối với mọi hoạt động kinh tế. Cần sớm có Chương trình trung hạn gọi là “hậu Covid-19” để phục hồi tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là thúc đẩy DN tái cơ cấu thị trường, giảm lệ thuộc quá lớn vào một thị trường, đồng thời gắn với cơ hội thực thi CPTPP, EVFTA và RCEP. Cần chuyển những quyết tâm và sáng tạo của Chính phủ trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc” hiện nay thành quyết tâm và sáng tạo trong giai đoạn “hậu Covid-19” thông qua từng chính sách cụ thể. Từ trong vùng tối của đại dịch toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tuy đang đứng trước nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội 2021 - 2025 như kỳ vọng.