Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Phết Hiền Quan 2019: Dừng cướp phết, dân làng hỗn loạn

Linh Anh - Vĩnh Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (17/2), hàng nghìn người dân vây đền Hiền Quan đòi Ban tổ chức (BTC) tung phết cùng tranh cướp như thường lệ. Hàng trăm người của lực lượng bảo vệ, công an phải bảo vệ vòng trong, vòng ngoài ngăn chặn tình trạng hỗn loạn lại Hội Phết Hiền Quan 2019 (Tam Nông, Phú Thọ). Lần đầu tiên có lễ hội bị cơ quan Nhà nước yêu cầu tạm dừng nghi thức truyền thống vì phản cảm đã gây những tranh cãi không dứt.

 Rất đông thanh niên chen vào trong đền Hiền Quang, Tam Nông (Phú Thọ) để đòi Ban tổ chức thực hiện phần đánh phết. Ảnh: Ngọc Tú
Chưa từng có tiền lệ
Một trong những lý do khiến hàng nghìn người tụ tập vây quanh đền Hiền Quan vì sau hơn 60 năm phục dựng, Hội Phết Hiền Quan luôn thực hiện nghi tế lễ rồi tung quả phết ra bãi đất trống để mọi người tham gia tranh cướp. Theo quan niệm của người dân địa phương, ai giành được quả phết hoặc chúi sẽ gặp may mắn. Chiều 16/2 (tức 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), ngày đầu diễn ra lễ hội, cảnh tượng hỗn loạn tiếp tục xảy ra khi phương án chia đội tham gia đánh phết của BTC đã bị phá vỡ, nhiều người từ bên ngoài tràn vào bãi đánh phết mặc cho lực lượng an ninh được bố trí dày đặc.
Công văn tạm dừng tổ chức nghi thức cướp phết là “thấu tình đạt lý”. Chúng ta không thể chạy theo đám đông mà thiếu đi sự hài hòa, để xảy ra các màn phản cảm. Sau đây, Bộ sẽ yêu cầu địa phương tiếp tục nghiên cứu đổi mới để lễ hội trở về đúng giá trị truyền thống.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy
Ngay lập tức, BTC lễ hội đã quyết định tạm dừng và sau đó đã có thông báo chính thức sẽ không tiếp tục tổ chức đánh phết vào chiều 13 tháng Giêng như thường lệ; hay vào đó sẽ chỉ tổ chức lễ tế trong đền. Đây là lần đầu tiên các cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng quy định dừng tổ chức lễ hội nếu không đảm bảo các yêu cầu theo cam kết.

Ngay sau lễ tế chiều 13 tháng Giêng, thay vì tung quả phết ra cánh đồng tranh cướp như mọi khi, các bậc cao niên đã mang lễ vật gồm phết, chúi, bài vị và kiện tiến cung, cất giữ. Theo ông Hoàng Được (một bậc cao niên xã Hiền Quan), đây là điều chưa từng xảy ra ở lễ hội có từ ngàn đời xưa. Vì quả Phết phải ra khỏi đền mới thể hiện sự may mắn. Được biết, trước lễ tế chính hội, cuộc họp giữa ban tổ chức và các bậc cao niên trong làng đã diễn ra khá căng thẳng. Cho dù trước đó, Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tam Nông có văn bản yêu cầu xã Hiền Quan dừng tổ chức nghi lễ ném và cướp phết, nhưng phần đa các cụ trong ban chủ lễ và đại diện Hội Người cao tuổi của xã Hiền Quan kịch liệt phản đối. Sau đó, đại diện Bộ VHTT&DL, cùng các cấp chính quyền thuyết phục, đã nhận được sự đồng tình của các thành viên BTC. Và cũng không ngoài dự trù, ngay khi màn tế lễ kết thúc, cho dù BTC thông báo kết thúc lễ hội, không tổ chức cướp phết nhưng hàng nghìn người vẫn không chịu di chuyển, thêm vào đó là những tiếng hô hào phản ứng, khiến lực lượng an ninh phải làm việc vất vả để giữ trật tự. Khoảng 18 giờ chiều ngày 17/2, đám đông mới dần được giải tán sau 4 giờ tụ tập phản đối.

Không thể không quản được thì cấm

Chủ tế Hội Phết Hiền Quan 2019 Ngô Văn Mão (72 tuổi) tỏ ra rất buồn vì nghi lễ cướp phết đã bị tạm dừng. “Vì năm nay không được tổ chức cướp phết nên tối 13 tháng Giêng chúng tôi phải tổ chức thêm 1 buổi lễ tạ để ổn định tâm lý không phạm thánh của người dân. Việc không đảm bảo được an ninh, tranh cướp giẫm đạp là do khâu tổ chức còn chưa tốt. Tôi mong năm sau các cơ quan quản lý có phương án tổ chức đảm bảo cướp an toàn, không được bỏ truyền thống của lễ hội” - ông Ngô Văn Mão nhấn mạnh.
Trong năm sau các cơ quan quản lý nên tìm giải pháp hợp lý thay vì dùng biện pháp không quản được thì cấm.

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, ngay sau những diễn biến xảy ra tại phần hội, Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ đã báo cáo về Cục và cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ những cam kết trước Bộ từ đầu mùa lễ hội. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội, Sở đã xin ý kiến Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh về việc tạm dừng phần hội theo đúng tinh thần của Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ. Trước đó, từ đầu mùa lễ hội, Hội Phết Hiền Quan được xếp đầu danh sách lễ hội... bạo lực cần chấn chỉnh. BTC lễ hội cũng đã cam kết tăng cường lực lượng an ninh, giới hạn số người tham gia đánh phết và buộc tạm dừng nếu xảy ra tình hình mất an ninh trật tự. “Cục Văn hóa cơ sở đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và tinh thần chỉ đạo nghiêm túc của lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ. Theo Nghị định 110 của Chính phủ, các địa phương cần phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu lễ hội xảy ra các hiện tượng tiêu cực, bạo lực, phản cảm…” - bà Hương cho biết.

Quyết định không cho cướp phết cũng đã được thực hiện nghiêm túc, nhưng rõ ràng việc dùng chế tài của cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo nên những bất bình của người dân nơi đây. Việc cấm tổ chức cướp phết lần này cũng chỉ là tạm thời, chưa phải là quyết định cấm vĩnh viễn trong các năm sau. Hiện nay, UBND xã Hiền Quan cũng đã nghĩ đến phương án chấn chỉnh cho mùa hội sau, để mong muốn tái diễn nghi thức tung và cướp phết như truyền thống.