Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi sinh hương đen Xà Cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa có nghề làm hương đen truyền thống hàng trăm năm nay.

Với hương thơm đậm đà được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên, hương đen Xà Cầu đã có mặt khắp nơi trong các gia đình người Việt. Nhờ việc làm hương, cuộc sống người dân nơi đây cũng được đảm bảo hơn.

Sản phẩm an toàn

Đã hàng trăm năm nay, với phương thức làm hương dân gian cổ truyền, người dân Xà Cầu đã làm ra những nén hương có màu đen tự nhiên và khi thắp lên có mùi hương đậm đà, thanh khiết. Mỗi nén hương làm ra thể hiện tâm nguyện trong sáng và đẹp đẽ của người dân nơi đây. Ý thức lao động và cái tâm của người làm nghề đã giúp cho hương đen Xà Cầu luôn giữ được nét đặc trưng về mùi thơm và màu truyền thống.
Chị Lý Thị Thủy - chủ cơ sở hương đen Thủy Sơn Tiên thôn Xà Cầu đang phơi hương.                 Ảnh: Nguyễn Nga
Chị Lý Thị Thủy - chủ cơ sở hương đen Thủy Sơn Tiên thôn Xà Cầu đang phơi hương. Ảnh: Nguyễn Nga
Chị Lý Thị Thủy - chủ cơ sở hương đen Thủy Sơn Tiên chia sẻ, hương đen Xà Cầu được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Vật liệu đó là than của cây rừng trộn với nhựa trám, tăm hương được làm từ thân của cây tre non và không thêm bất kỳ hóa chất nào khác. Khi thắp lên, hương sẽ cho mùi thơm dịu nhẹ, không sực nức mà thoang thoảng, nồng nàn, đặc trưng của nhựa trám rừng. Vì vậy, sản phẩm của làng nghề rất an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Nhìn que hương mộc mạc là vậy nhưng để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì rất công phu. Nhựa trám được lọc sạch tạp chất, rồi trộn với than hoa đã được nghiền mịn, tới khi được một hỗn hợp dẻo mịn mới đem xe với tăm hương. Hương làm xong được phơi từ 1 – 2 ngày là khô có thể dùng được. Hương đen Xà Cầu có nhiều loại, loại lớn nhất có chiều dài 1m, loại nhỏ là 30cm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của hương đen là các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực lân cận Hà Nội.

Mong sớm được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm

Ông Lê Văn Dịu – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, trước đây hầu như 100% người dân trong thôn tham gia làm nghề. Nghề làm hương đã nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây. Nhưng từ khi thị trường xuất hiện nhiều loại hương mới có mẫu mã đẹp, mùi hương hấp dẫn, người tiêu dùng đã quay lưng lại với sản phẩm hương đen truyền thống. Đa số các hộ sản xuất trong thôn phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Có thời điểm làng nghề lao đao tưởng chừng không thể tồn tại do hàng làm ra không bán được. Nhưng vài năm trở lại đây, khi thị trường xuất hiện hương không rõ nguồn gốc tẩm hóa chất gây độc hại cho sức khỏe, thì khách hàng đã quay lại với hương đen truyền thống. Về phía chính quyền luôn tạo điều kiện cho những hộ sản xuất phát triển và tích cực đưa sản phẩm đến các hội chợ để quảng bá thương hiệu. Vì vậy, làng nghề đang hồi sinh, phát triển trở lại với khoảng 30 hộ sản xuất. Vào dịp cuối năm, trung bình mỗi ngày làng nghề làm ra khoảng 8 vạn que hương. Thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 3 triệu đồng/tháng. Mong muốn lớn nhất của người làng nghề hiện nay chính là hương đen Xà Cầu sớm được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, để khi ra thị trường không bị nhầm lẫn với những sản phẩm cùng loại.