Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội thảo quốc tế “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 26/11, hội thảo quốc tế “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới”, một hoạt động thuộc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (LHP) đã được tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của các nghệ sĩ, nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam và quốc tế.

 
Hội thảo quốc tế “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” - Ảnh 1
Hội thảo Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới có sự tham dự của đông đảo các nghệ sĩ, nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam và quốc tế.
 
Theo TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh (Trưởng ban tổ chức LHP): “Hội thảo nhằm nhìn nhận những bước phát triển, nét đặc trưng của phim Việt Nam từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (từ cuối năm 1986). Từ đó đánh giá những thành tựu và hạn chế của điện ảnh Việt Nam (từ năm 1986 đến nay). Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm phát triển từ những nền điện ảnh trong khu vực như Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan…”

Nội dung cuộc hội thảo được chia làm 3 phần: “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới, 1986-1999”, “Điện ảnh Việt Nam mở rộng xã hội hóa và hội nhập quốc tế từ năm 2000 đến nay” và “Kinh nghiệm phát triển điện ảnh của một số nước châu Á”.

 Trao đổi về “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới, 1986-1999”, TS. Aruna Vasudev, Chủ tịch Mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á chia sẻ: “Những bộ phim về đề tài chiến tranh thời kỳ này đã khiến tôi thực sự xúc động. Tất cả những người được xem những bộ phim thời kỳ đó đều phải rơi nước mắt như tác phẩm “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Đặng Nhật Minh”. 

Bà Heneriko Jeannette Paulson - Chủ tịch diễn đàn Điện ảnh châu Á – Thái Bình Dương, nguyên Giám đốc  LHPQT Hawaii nhận định: “Từ năm 1986 điện ảnh Việt Nam đã bước đầu có những hoạt động quảng bá ra quốc tế và ngay lập tức để lại dấu ấn cho khán giả nước ngoài. Khi xem tác phẩm “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tôi cảm nhận được sức mạnh từ quá khứ của đất nước các bạn. Tôi nghĩ đây là đề tài thế mạnh của điện ảnh Việt Nam”.

Hội thảo quốc tế “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” - Ảnh 2
Đoàn làm phim Helpless của Hàn Quốc

Chia sẻ về những bí quyết để phát triển điện ảnh Hàn Quốc, ông Taesung Jun, lãnh đạo công ty CJ ENT, Hàn Quốc cho biết: “Để điện ảnh phát triển, cần phải đầu tư kinh phí thích đáng; cần có những cụm rạp chiếu phim hiện đại; công ty phát hành tuyệt vời; đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài và điều quan trọng là mỗi bộ phim phải mang bản sắc Việt Nam”.

 
Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ LHP, một số đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đã có buổi giao lưu với báo chí.

Trong buổi trò chuyện, đại diện phim Hàn Quốc “Helpless”, đạo diễn Byun Young-Joo chia sẻ: “Với sự đầu tư lớn mạnh từ chính phủ, điện ảnh Hàn Quốc đang ngày càng phát triển hơn, phong phú đa dạng về thể tài cũng như cách thể hiện”.

Hội thảo quốc tế “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” - Ảnh 3
Đoàn làm phim "Đam mê" trò chuyện với báo chí

Đoàn làm phim Thiên mệnh anh hùng” và “Đam mê” đại diện cho đoànn Việt Nam tại buổi giao lưu. Đại diện cho “Thiên mệnh anh hùng”, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ niềm vui, sự hãnh diện của anh khi được đóng góp phần nào cho LHP Quốc tế Hà Nội 2012. Qua bộ phim “Đam mê”, đạo diễn Phi Tiến Sơn gửi tới thông điệp các giá trị nhân văn đang dần bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại.