KTĐT - Chiều 17/3, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra hội thảo "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" do Tổ chức HealthBridge Canada, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Lạc Việt và Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa (Đại học Hawaii) tổ chức.
Trong sự phát triển của Hà Nội, các khu chợ dân sinh vốn được coi là một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân thành phố. Đồng thời, các chợ dân sinh trở thành môi trường giao tiếp xã hội bền chặt và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng từ vài năm gần đây, chợ dân sinh đang bị thay thế nhanh chóng bởi các siêu thị lớn nhỏ, khu trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng. Liệu Hà Nội có đang vướng vào sai lầm mà nhiều nước thu nhập trung bình đang mắc phải là theo đuổi tăng trưởng, vô tình hạn chế cơ hội tiếp cận với nguồn thực phẩm tươi sống giá rẻ của người dân, phá vỡ các môi trường giao tiếp xã hội để thay thế bằng vẻ văn minh hào nhoáng?
TS Stephanie Geertman từ Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã phân tích các lý do tại sao chợ dân sinh trở thành một yếu tố quan trọng để xây dựng một thành phố có điều kiện sống tốt; đồng thời, đưa ra một số chính sách và hành động cần thiết để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với nguồn thực phẩm tươi sống, có lợi cho sức khỏe. Cuộc thảo luận được mở ra đa chiều với ý kiến của PGS-TS Ngô Thị Thuận, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP) và TS-KTS Lê Thị Bích Thuận, giảng viên tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội; GS-TS Michael Douglass-giáo sư tại ĐH Hawaii, ông là người viết và hướng dẫn nhiều công trình nghiên cứu về đô thị Hà Nội và GS-TS Liling Huang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa tại Đại học Quốc gia Đài Loan phân tích các bài học kinh nghiệm trên thế giới để giới học giả và công chúng Việt Nam có thêm cái nhìn đúng về xu thế toàn cầu.