Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc họp trên. Cùng với các bộ, ngành liên quan, Chính phủ sẽ thảo luận, bàn bạc để xem xét phương án thu giá tại Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Nội cung cuộc họp xoay quanh các ưu điểm, hạn chế của 4 phương án giải quyết vấn đề tại BOT Cai Lậy mà Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ.
Trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018 diễn ra vào ngày 1/3, trả lời câu hỏi của báo chí về phương án xử lý vấn đề tại Trạm BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, ngày 17/1, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ 4 phương án để giải quyết BOT Cai Lậy. Các phương án này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng.
Theo ông Đông, trong 4 phương án thì mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng và tất cả đều liên quan đến yếu tố ban đầu của hợp đồng dự án. Trong các phương án có nội dung điều chỉnh thời gian thu phí. Nếu trường hợp chọn phương án dừng thu phí thì phải tính toán nguồn tiền nào để trả cho nhà đầu tư và sẽ trả trong thời gian bao lâu. Vấn đề này sẽ phải đàm phán với nhà đầu tư.
Còn phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì sẽ phải theo dõi lại lượng xe, tính toán lại thời gian bảo đảm. Hoặc có cả phương án đặt 2 trạm thu phí, trạm trên QL1 để hoàn phần đầu tư vào QL1, còn trạm đặt trên tuyến tránh dùng cho tuyến tránh. Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu quyết liệt và sẽ báo cáo rất sớm về những phương án tiếp theo.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu giá từ ngày 1/8/2017 và ngay sau hai tuần hoạt động đã gặp sự phản đối của nhiều tài xế bằng cách trả tiền lẻ khiến dự án phải dừng thu giá. Sau khi được thu giá trở lại, trạm này tiếp tục vấp phải phản ứng quyết liệt từ các tài xế và người dân.
Đến ngày 4/12/2017, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng thu phí tại BOT Cai Lậy trong 1-2 tháng. Trong thời gian dừng thu phí, Bộ GTVT kết hợp với tỉnh Tiền Giang đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý.