Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn với 2 nhóm lĩnh vực

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hôm nay, 21/8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với 2 nhóm lĩnh vực.

Quang cảnh Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Quang cảnh Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên chất vấn kéo dài đến hết buổi sáng 22/8 tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu các tỉnh, TP với 2 nhóm lĩnh vực:

Nhóm lĩnh vực thứ nhất: việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với các lĩnh vực: 1) nông nghiệp và phát triển nông thôn; 2) công thương; 3) văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhóm lĩnh vực thứ hai: việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: 1) tư pháp; 2) nội vụ; 3) an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 4) thanh tra; 5) tòa án; 6) kiểm sát.

Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền sẽ phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các phiên họp thông thường mà chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào, cá nhân đó sẽ trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.

Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.