Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 1.000 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường tiền ảo: Sóng gió với nhà đầu tư

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, giá trị vốn hóa tiền điện tử (tiền ảo) đã mất tới 1.000 tỷ USD. Tiền ảo đồng loạt lao dốc, trong đó, giá Bitcoin (BTC) giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021 đến nay. Thị trường đi xuống với sự xuất hiện của nhiều tin xấu.

Ồ ạt bán tháo, BTC rơi thẳng đứng
Vào ngày 19/5, một vụ tai nạn nghiêm trọng với tiền điện tử đã xảy ra trên diện rộng, xóa sổ khoảng 1.000 tỷ USD giá trị thị trường, mức giảm đáng kinh ngạc từ mức 2.500 tỷ USD của một tuần trước. Trong đó, BTC, chiếm hơn 40% giá trị thị trường tiền điện tử toàn cầu, đã giảm giá 30% xuống chỉ còn 30.000 USD (giảm hơn 50% so với mức kỷ lục gần 65.000 USD thiết lập vào tháng 4). Các loại tiền điện tử khác cũng giảm mạnh: Ethereum, loại tiền điện tử lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Bitcoin giảm hơn 40%; trong khi Dogecoin và Binance mất khoảng 30%.
 Ảnh minh họa.
Diễn biến trên bắt nguồn từ thông báo của tỷ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla tuyên bố dừng nhận thanh toán bằng Bitcoin. Trước đó, khi hãng xe điện Tesla công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD và chấp nhận thanh toán bằng BTC hồi đầu năm 2021, đã lôi kéo hàng loạt tổ chức đầu tư, từ đó kích hoạt đà tăng giá phi mã của BTC.

Ngoài ra, BTC rớt giá khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 18/5 khẳng định các loại tiền điện tử “không nên và không thể được sử dụng trên thị trường”, bởi không phải tiền thật. Đồng thời, PBoC thông báo các tổ chức tài chính Trung Quốc không được chấp nhận mọi hình thức thanh toán bằng tiền điện tử, cũng như không được phép cung cấp các dịch vụ và sản phẩm liên quan tiền điện tử. Không chỉ ở Trung Quốc mà tại Mỹ, hôm 20/5, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền điện tử gây ra cho hệ thống tài chính.

Chốt phiên cuối tuần qua, thị trường vẫn khá ảm đạm, BTC trở lại giao dịch quanh vùng giá 37.000 - 38.000 USD, các loại tiền ảo khác cũng không mấy khả quan khi giảm 8 - 10% trong phiên giao dịch ngày thứ 7. Vốn hóa thị trường giảm trở lại vùng 1.500 tỷ USD, đây là mức vốn hóa thấp nhất trong gần 3 tháng tính từ đầu tháng 3. Tâm lý thị trường vẫn duy trì trạng thái khá tiêu cực khi mà giá BTC vẫn duy trì ở mức thấp, điều này khiến cho sự sợ hãi tiếp tục bao trùm thị trường.

Tương lai bất định

BTC đã tăng hơn 600% từ mức khoảng 7.000 USD ở một năm trước lên 65.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng/BTC). Những ngày đầu năm 2021, BTC tăng “điên loạn” và thiết lập mức giá kỷ lục mới: Từ mốc 30.000 USD/đồng BTC, lên 36.000 USD, rồi đạt đỉnh đến gần 65.000 USD/BTC hôm 14/4. Sau đó, bất ngờ giảm mạnh liên tục trong hơn 10 tuần qua xuống sát ngưỡng 30.000 USD/BTC.

Diễn biến của thị trường cho thấy, rủi ro quá lớn khi nắm giữ tiền điện tử trong tài khoản. Giá BTC liên tục xoay đảo xuôi ngược trên biên độ rộng gần đây là minh chứng. “Một số nhà đầu tư (NĐT) nghĩ rằng nó giúp vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, tiền tệ. Nhưng thực tế, bản thân đồng tiền này là tài sản đầu tư rất rủi ro, mang nặng tính đầu cơ” - TS Cấn Văn Lực bày tỏ lo lắng về các khoản lỗ tiềm ẩn cho các NĐT.

Nhiều NĐT tại Việt Nam trải qua những ngày căng thẳng khi giá hàng loạt đồng tiền mã hóa giảm mạnh. “Ban đầu tôi đầu tư ít, lời lãi không được bao nhiêu nên cố gắng giữ thêm vài phần trăm nữa. Ai ngờ giá quay đầu giảm, không thể gồng được nữa, tôi cắt lỗ và chịu thiệt hại hàng nghìn USD” - anh Trần Trung Hiếu một NĐT ở TP Hồ Chí Minh cho biết.

Bài học hàng loạt NĐT trắng tay vẫn còn nguyên. Những gì đang diễn ra với đồng BTC cũng làm lộ ra một thực tế là tiền điện tử có thể bị thao túng, lên xuống bất thường đôi khi chỉ bởi một cá nhân, thông qua một thông báo ngắn ngủi trên mạng xã hội. “Điều tốt nhất trong bối cảnh hiện nay là nên đầu tư vào tài sản thực mà sự biến động có thể được kiểm soát. Dù lợi nhuận khi đầu tư vào tài sản này không thể đạt được như Bitcoin nhưng ít nhất các khoản lãi từ đó sẽ giúp tài sản tăng lên trong dài hạn” – chuyên gia Trần Thanh Hải khuyến cáo.

Vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng chỉ trích BTC tạo điều kiện cho các hoạt động phạm pháp. Thậm chí Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ còn đưa ra nhận định không mấy lạc quan khi cho rằng đồng tiền BTC sẽ về mức 0 đồng. Nguyên nhân do đối thủ cạnh tranh với BTC là các ngân hàng trung ương sẽ chủ động giới thiệu loại tiền số được thiết kế tốt hơn về mặt giao dịch thanh toán cũng như các nước sẽ tung ra nhiều quy định mới gây sức ép lên BTC. Rủi ro lớn, thậm chí là cạm bẫy, tương lai của tiền ảo là hoàn toàn bất định, thậm chí có nguy cơ tan biến bất cứ lúc nào.

Đầu tuần ngày 24/5, giá vàng thế giới giao ngay ở ngưỡng 1.885 USD/ ounce. Trong nước, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng ở mức 56,15 triệu đồng/lượng mua vào và 56,57 triệu đồng/lượng bán ra. Tăng 120.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng đã có sự thay đổi lớn vào tuần trước (tăng khoảng 40 USD/ounce trong tuần) và đang đà hướng tới mốc 1.900 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục chịu áp lực giảm. Ngoài ra, biến động giá trên thị trường tiền ảo cũng khiến vàng tăng sức hấp dẫn, nhà đầu tư dịch chuyển sang trú ẩn vào vàng.