Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 10.300 lao động Việt Nam từ Libya về nước an toàn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay, 9/3/2011, chuyến chuyên cơ cuối cùng từ Tunisie của Vietnam Airlines đưa lao động về nước sẽ về tới sân bay Nội Bài.

KTĐT - Sáng nay, 9/3/2011, chuyến chuyên cơ cuối cùng từ Tunisie của Vietnam Airlines đưa lao động về nước sẽ về tới sân bay Nội Bài.

 

Thông tin mới nhất từ Cục cũng cho biết, chuyến tàu biển mang tên Hamanasu Nhật Bản do nhà thầu Brazil thuê, xuất phát sáng ngày 3/3 từ cảng Benghazi (Libya) chở hơn 1000 lao động Việt Nam sẽ cập cảng Hải Phòng ngày 21/3. Đây là những lao động cuối cùng về nước.

 

Có thể nói, đây là chiến dịch giải cứu lao động làm việc tại nước ngoài quy mô lớn thứ hai từ trước đến nay. Trước đó, năm 1991, Việt Nam đã sơ tán khoảng 18.000 lao động làm việc tại Iraq do xảy ra chiến tranh vùng Vịnh. Theo đánh giá của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Hà Nội, Việt Nam là một trong những nước sơ tán lao động khỏi Libya nhanh nhất.

 

Để có được kết quả này, điều đầu tiên phải khẳng định đó là do Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp đã vào cuộc với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Một Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi đã được thành lập (ngày 23/2), các bộ, ngành như Bộ LĐTB&XH, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Hãng Hàng không quốc gia, tổ chức quốc tế như IOM, Trăng lưỡi liềm đỏ và các nước lân cận Libya... đã nỗ lực hỗ trợ và đưa lao động về nước. 5 đoàn công tác tiền phương cũng được thành lập và đến các điểm nóng, chỉ đạo trực tiếp tại biên giới TunisiaLibya.


Chỉ trong vòng chưa đến 15 ngày, hơn 10.300 lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya và phần lớn đã về nước an toàn. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, sự phối hợp làm việc hết sức chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài nước đã góp phần cho thành công của công tác này. Cùng với đó, các cấp chính quyền và nhân dân Tunisia cũng luôn tận tình giúp đỡ công dân tất cả các nước có mặt tại đây. Trong đó, người Việt Nam luôn được dành cho những tình cảm hết sức đặc biệt. Người dân Tunisia cung cấp từng thùng nước, nấu từng nồi súp, nồi cháo, mang đến tận nơi cho người lao động. Tìnhcảm này là hết sức đáng quý và đáng trân trọng. Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) cũng hết sức tận tình hợp tác chặt chẽ, nắm từng số người cụ thể, cung cấp thức ăn, nước uống cho lao động Việt Nam ở những trại tạm thời gần biên giới. Đồng thời, tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra sân bay để về nước...


Để hỗ trợ người lao động một cách tối đa khi về nước, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định: Trong số 10.042 lao động trở về từ Libya, có khoảng 40- 60% lao động đã làm việc được hơn 1 năm, khoảng 20 - 30% lao động làm việc được 1 năm, còn lại là lao động mới được đưa sang.

 

Sau khi toàn bộ số lao động về đến Việt Nam, Cục sẽ căn cứ vào tình hình để lên phương án hỗ trợ và hướng giải quyết cho các lao động sớm ổn định cuộc sống. Nếu ai có nhu cầu XKLĐ trở lại, Cục cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, tay nghề để đi làm việc tại nước khác.

 

Đối với các ngân hàng đã cho người lao động vay tiền XKLĐ, Cục sẽ có công văn đề nghị cho người lao động được khoanh nợ, được tiếp tục vay tiền.


Hiện, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thông báo sẽ tạo điều kiện ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam từ Libya trở về vào làm việc. Bản thân các doanh nghiệp có lao động đi làm việc tại Libya cũng đưa ra thông báo sẽ bố trí việc làm cho lao động ở những vị trí thích hợp. Đại diện Vinaconex Mec, một trong những doanh nghiệp XKLĐ có hơn 2.000 lao động về nước trong dịp này, cho biết: Tổng công ty Vinaconex (doanh nghiệp chủ quản) đã có chủ trương ưu tiên sắp xếp số lao động này vào làm việc tại các công ty thành viên với mức lương tối thiểu là trên 3 triệu đồng/người/tháng. Với số lao động của công ty cổ phần Lilama trở về từ Libya, cũng sẽ được bố trí công việc tại những công trình của Lilama ở trong nước.Tổng công ty Cienco 5 cho biết, bên cạnh hỗ trợ 5 tỷ đồng để Bộ LĐ-TB&XH đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước, Cty có nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư xây dựng cho một số dự án tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Một số tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ngỏ ý sẵn sàng tiếp nhận các lao độngtrở về từ Libya như Cty CP công nghiệp và xây dựng Toàn Phát chuyên về xây dựng thủy điện tuyển dụng 150 thợ hàn và 150 lao động xây dựng, với mức lương 200 – 250 USD/người/tháng. Ngoài ra, còn nhiều vị trí kỹ sư trắc địa, chỉ huy trưởng công trình và đội trưởng đội xây dựng. Cty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị UDEC (Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng sẵn sàng tuyển dụng khoảng 500 lao động là thợ nề, thợ bê tông, cốt pha...

 

Như vậy, các doanh nghiệp đang có hai hướng hỗ trợ lao động từ Libya về. Một là XKLĐ sang các nước khác; hai là giải quyết việc làm ngay trong nước. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các doanh nghiệp XKLĐ phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cho người lao động trong thời gian ngắn nhất (2 tuần). Về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động, theo nguyên tắc nếu làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng được hoàn trả 50% tiền môigiới, làm việc trên 1/2 thời gian hợp đồng không được hoàn trả. Riêng phí dịch vụ, nếu nộp trước đủ một lần (mỗi năm một tháng lương), doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với số tháng người lao động không còn làm việc theo hợp đồng. Ngoài ra, người lao động Việt Nam ở Libya mới về nước được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để học nghề trong 12 tháng kể từ ngày về nước, lãi suất vay 0%.

 

Có khoảng 90% lao động Việt Nam làm việc tại Libya thuộc ngành xây dựng nên trước mắt Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương rà soát các thị trường cần lao động xây dựng để có thể chuyển tiếp ngay số lao động vừa từ Libya trở về, việc này sẽ giảm tối đa chi phí đào tạo nghề. Bên cạnh đó, người lao động được khoanh nợ ngân hàng khoản vay để đi Libya, đồng thời Bộ cũng phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho người lao động được vay thêm (nếu cần) khi chuyển sang thị trường lao động mới. Đặc biệt, trong năm nay, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ ưu tiên cho lao động vừa từ Libya trở về. Như vậy, dù khó khăn song cũng đã có nhiều cơ hội việc làm mới dành cho người lao động.