Trong báo cáo giám sát được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình Quốc hội cho thấy: Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 3/2016, đã có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 19,7%; 1.223 xã, chiếm 13,7% đạt từ 15-18 tiêu chí; 3.355 xã, chiếm 37,5% đạt từ 10-14 tiêu chí; 2.270 xã, chiếm 25,4% đạt từ 05-09 tiêu chí và 326 xã, chiếm 3,65% đạt dưới 5 tiêu chí.
Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 182 xã. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng trưởng tích cực so với năm 2011. Đến nay, đã có 2.061 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), có 27 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Việc một số huyện đạt tiêu chí nông thôn mới sớm hơn so với dự kiến là bước phát triển quan trọng của Chương trình.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Về vốn thực hiện Chương trình, báo cáo giám sát cũng chỉ ra: Trong 5 năm cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) là 266.785 tỷ đồng (31,34%), vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp là 107.447 tỷ đồng (12,62%). Riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 98.664 tỷ đồng (11,59%). Trong đó, ngân sách trung ương là 16.400 tỷ đồng (SNKT 3.480 tỷ đồng, ĐTPT 2.420 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 10.500 tỷ đồng), ngân sách địa phương các cấp là 82.264 tỷ đồng. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình MTQG XDNTM là 15.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2014-2016.
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh: Thực tế cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho Chương trình của các địa phương từ ngân sách nhà nước thường rất hạn chế so với quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg và Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đa số các địa phương đều tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép, ưu tiên vốn tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn hàng năm. Tuy nhiên, nhiều chương trình, dự án rất khó lồng ghép, vì phải tuân thủ cơ chế của từng Chương trình, dự án cho cả thời kỳ triển khai. Có thể thấy những địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, sẽ có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt hơn. Khi người dân đã hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM, xác định mình có vai trò chủ thể, người trực tiếp thụ hưởng từ Chương trình, họ sẽ tự giác, tích cực tham gia, đóng góp công sức, tiền, vật tư, hiến đất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hình thành các mô hình sản xuất năng suất cao... cho xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương, đơn vị đã có nhiều cách làm mới để khai thác, phát huy nhiều nguồn vốn khác nhau như: sự quan tâm ủng hộ của người xa quê, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ...
Qua quá trình giám sát, UBTV Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế như: Theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt nông thôn mới, tuy nhiên, không hướng dẫn mục tiêu cụ thể cho từng vùng, miền, địa phương, dẫn đến nhiều địa phương còn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách, thực hiện không đạt mục tiêu đề ra.
Vì vậy, đến hết năm 2015 một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn chưa có hoặc chỉ có 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2015 đạt 17,1%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (20% xã nông thôn mới), mặt khác, kết quả cũng không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt: số xã đạt nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%. Một số nơi triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với tình hình thực tế.
“Một số địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình, trụ sở, nhà văn hóa, trường học... chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, vùng miền núi còn rất yếu kém. Mặc dù, số xã đạt tiêu chí quy hoạch cao nhất (98,74%), tuy nhiên, hiệu quả, tính liên kết đang là vấn đề cần phải xem xét“, báo cáo giám sát chỉ rõ.
Đặc biệt, vấn đề nợ đọng xây dựng vẫn lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Theo kết quả giám sát, có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã). Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước (trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 55,2% số nợ đọng).
Trong đó, tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến ngày 31/01/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước); có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5% ) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra: Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất văn hóa (12,7%); các công trình dự án khác (27,7%). Do đặc thù Chương trình xây dựng nông thôn mới, các công trình, dự án chủ yếu do cấp huyện, xã phê duyệt nên số nợ cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm ngân sách cấp huyện, xã1; một số xã nông thôn mới còn nợ nguồn chi trả cho việc khen thưởng phong trào nông thôn mới.
Nguyên nhân nợ đọng do nhiều yếu tố, một phần do biến động thị trường đất đai nên nguồn thu từ đấu giá đất sụt giảm, không đạt như dự tính đã khiến các địa phương không cân đối được nguồn để trả nợ; nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện không đảm bảo so với mục tiêu Chương trình; nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; phê duyệt dự án và đồng ý để các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán; một số địa phương phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực; một số khoản nợ được các địa phương thống kê tuy nhiên thực tế vẫn đang trong thời hạn thanh toán; một số nơi chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầu tư xây dựng dẫn đến chậm giải ngân các nguồn vốn.
“Tỷ trọng số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện nên cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Sau khi ngheo báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội, các ĐB đã phát biểu thảo luận về vấn đề này.