Chúng tôi đến làng Hoàng Mai trong một buổi chiều hè, hỏi cụ “Nguyễn Duy Yên, người nhặt rác ở giếng xóm Tây” ai cũng biết, bởi hình ảnh cụ Yên đội nắng, đội mưa đi làm sạch giếng làng đã in sâu trong tâm trí người dân nơi đây. Mặc dù đã lên phố, nhưng làng Hoàng Mai vẫn giữ được những nét xưa cổ kính. Ở đây, ngoài cổng xóm, đình làng có tới 4 chiếc giếng lớn có hình dáng và kích thước khác nhau. Người dân cho biết, bao năm qua, dù được làm sạch mỗi năm nhưng tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện...
Theo chân một người dân đến gặp cụ Yên, chúng tôi vừa vào tới ngõ đã thấy cụ tay xách những vật dụng để chuẩn bị cho đợt vớt rác vào buổi chiều (ảnh). Cụ bảo, cả cuộc đời sống và gắn bó với chiếc giếng màu xanh của xóm Tây này. Hồi chưa có nước máy, cứ sau mỗi chiều người dân làng lại đều đặn xách thùng lớn thùng bé ra đây gánh nước về ăn. “Sau này, TP cho xây dựng công trình nước sạch phục vụ dân sinh, giếng làng không còn chức năng cung cấp nước, mà trở thành biểu tượng của làng xóm, trong ký ức của những người già như chúng tôi” - cụ Yên tâm sự. Cũng kể từ ngày có nước máy, giếng làng trở nên mất vệ sinh vì nhiều người vô ý thức, thải rác một cách bừa bãi, xác động vật trôi nổi... Không để tình trạng giếng làng bị ô nhiễm, tổ dân phố có nhiều cuộc họp để tìm ra biện pháp. Lúc đó, cụ Yên “xung phong” đảm nhận công việc nhặt rác trong giếng. Ban đầu, cụ cảm thấy e dè vì tuổi cao sức yếu sợ không đảm đương nổi, nhưng giếng làng là hình ảnh, nét đẹp văn hóa không thể dễ dàng bỏ đi như thế. Lòng giếng sâu và rộng nên cụ Yên phải làm một cây sào lưới dài đến hơn 3m, rồi tận dụng những chiếc túi nilon để đựng rác cho gọn gàng. Kể từ đó, bất kể ngày nắng hay mưa, cụ vẫn ra giếng làng vớt rác. Mới đầu, hàng xóm cũng lo lắng cho công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của cụ Yên, người thân trong gia đình cũng hết lời can ngăn, nhưng cụ bảo: "Ai cũng nghĩ phần sung sướng vậy thì gian khổ nhường phần ai?". Và cứ thế, mỗi ngày đều đặn 3 lần, cụ ra giếng làng vớt rác. Lâu ngày, thấy công việc của cụ làm hết sức ý nghĩa, lại giúp cho giếng làng trong xanh, giữ lại hồn làng, làm sạch VSMT, nhiều người cảm kích. Cụ Yên kể, có lần thau giếng, cụ còn thấy cả một chiếc xe máy hỏng, dưới giếng còn một lớp bùn dày, khi dọn sạch thì mạch nước tự nhiên mới chảy ra. Nhưng theo cụ, không phải lúc nào cũng dễ dàng vớt được rác, nhất là vào những ngày mưa giông gió rét, gió tạt rác khắp nơi, mà chiếc vợt của cụ lại không đủ dài. Ngoài công việc vớt rác, chiếc giếng làng cũng được cụ Yên tận dụng để nuôi cá rô. Vào những lúc rảnh rỗi, cụ đem cần ra câu. “Cá nhiều khi chỉ để cho mèo ăn nhưng tôi thấy vui, vui hơn là còn có bạn câu để nói chuyện” - cụ chia sẻ. Khi được hỏi rằng làm công việc vớt rác có được lương, trợ cấp hay khen thưởng gì không, cụ Yên bảo: "Vừa rồi, tổ dân phố họp cũng định phụ giúp, nhưng tôi nói cái đó tôi gửi lại cho Đoàn thanh niên làm quỹ". Phần thưởng lớn nhất đối với cụ chính là nhìn giếng làng được trong xanh.