Hơn 300 hiện vật lịch sử được lưu trữ trong nhà truyền thống huyện Đông Anh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 29/12, huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức lễ khánh thành dự án di chuyển, sắp xếp kết hợp sửa chữa, phục chế hiện vật lịch sử Nhà truyền thống huyện Đông Anh, với hơn 300 hiện vật qua các thời kỳ lịch sử được trưng bày.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, Đông Anh là vùng đất cổ, một trong những trung tâm quần cư của người Việt từ rất sớm. Ngày nay, Đông Anh đang được đặt vào vị trí trọng tâm của chiến lược tăng tốc phát triển đô thị với mục tiêu nhanh chóng trở thành bộ phận phát triển cao nhất, năng động nhất của đô thị trung tâm Hà Nội.

Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với giữ gìn, phát huy tốt nhất giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa, cách mạng của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chủ trương giao UBND huyện Đông Anh nghiên cứu thực hiện dự án di chuyển, sắp xếp kết hợp sửa chữa, phục chế hiện vật từ nhà truyền thống huyện vào 4 không gian truyền thống tại Nhà Văn hóa huyện Đông Anh.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà truyền thống huyện Đông Anh.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà truyền thống huyện Đông Anh.

“Sau hơn một năm nghiên cứu, triển khai việc kiểm kê, đánh giá, sắp xếp, sửa chữa, phục chế, sưu tầm, bổ sung tư liệu hiện vật, trưng bày 4 không gian nhà truyền thống và kế thừa những công trình khoa học, tư liệu, tài liệu, số liệu khoa học, sự kiện lịch sử Đảng, tham khảo từ các bảo tàng, nhà truyền thống, huyện đã hoàn thành công trình với tổng số 305 hiện vật hiện đang được lưu giữ. Trong đó, hiện vật trưng bày 259, gồm: 224 hiện vật gốc, 35 hiện vật phục chế. Hiện vật lưu giữ tại kho bảo quản: 46” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám thông tin.

Khu nhà truyền thống huyện Đông Anh sau khi di chuyển, sắp xếp lại được thiết kế cấu trúc với nội dung trưng bày 4 không gian, các hiện vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử và theo chuyên đề, gồm: Chủ đề I - Đông Anh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc (từ thời tiền sử đến năm 1858), tập trung giới thiệu những đặc điểm nổi bật về vị trí địa lý, mảnh đất, con người Đông Anh. Thông qua các hiện vật khảo cổ học và nguồn tài liệu hiện vật khác giới thiệu những đặc trưng của vùng đất đã có hàng nghìn năm tuổi.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên (bên phải) giới thiệu về những hiện vật khảo cổ có niên đại hàng nghìn năm tuổi được trưng bày tại Nhà truyền thống.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên (bên phải) giới thiệu về những hiện vật khảo cổ có niên đại hàng nghìn năm tuổi được trưng bày tại Nhà truyền thống.

Chủ đề II - Đông Anh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước từ 1858 đến 1975, giới thiệu về Đông Anh, vùng đất vị trí đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong đó, nổi bật lên các phong trào yêu nước, cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Đông Anh có chi bộ Cường Nỗ được Thành ủy công nhận là “Chi bộ thép”, đặc biệt có 8 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Nhà truyền thống huyện Đông Anh được xây dựng nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn nhưng hiện vật có giá trị lịch sử để lưu truyền đến thế hệ mai sau.
Nhà truyền thống huyện Đông Anh được xây dựng nhằm mục đích lưu giữ, bảo tồn nhưng hiện vật có giá trị lịch sử để lưu truyền đến thế hệ mai sau.

Chủ đề III - Đông Anh trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển (từ 1975 đến nay). Giới thiệu khái quát những thành tựu về chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội - quốc phòng - an ninh sau ngày thống nhất đất nước đặc biệt là thời kỳ đổi mới hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Chủ đề IV - Bản sắc văn hoá Đông Anh, nêu bật bản sắc văn hoá của Đông Anh, những nét đặc trưng, cơ bản nhất của di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Đây là phần trưng bày gây ấn tượng sâu sắc nhất tới người xem đồng thời cũng là để kết lại toàn bộ nội dung trưng bày của 4 không gian Nhà truyền thống huyện.