Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, trong tuần qua, diện tích lúa nhiễm rầy của cả nước là hơn 24.700ha, tăng 15.500ha so với tuần trước, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là hơn 2.100ha, tập trung tại các tỉnh Bắc Bộ 18.906ha. Đối với bệnh đạo ôn, bệnh đạo ôn hại lá chủ yếu ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng với diện tích nhiễm 21.903ha, tăng 4.373ha so với kỳ trước, so cùng kỳ năm trước tăng 7.424ha).
Diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông là hơn 12.100ha, trong đó diễn tích bị nhiễm nặng 5.639ha, mất trắng 308,3ha. Diện tích nhiễm tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Đáng chú ý, nạn châu chấu tre xuất hiện tại các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An với tổng diện tích bị gây hại tính đến hiện tại là gần 870ha, chủ yếu xuất hiện trên cỏ dại, tre, luồng... Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong tuần qua Cục đã tập trung chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương trực tiếp kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa Đông Xuân 2016 - 2017 cuối vụ tại các tỉnh. Đồng thời tổ chức các đoàn công tác, phối hợp với các địa phương bị châu chấu tre hại chỉ đạo tốt công tác phòng chống, bảo vệ cây trồng nông nghiệp.Theo dự báo, tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3 tiếp tục tăng mật độ, gây hại diện hẹp trên lúa chính vụ và lúa muộn. Cùng với đó, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống nhiễm, nơi diện tích lúa có tỷ lệ bệnh trên lá cao trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung phòng chống sinh vật gây hại cuối vụ lúa Đông Xuân 2016 - 2017. Trong đó phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt tình hình thời tiết và diễn biến phát sinh gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông, rầy trên lúa Đông Xuân cuối vụ để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời.