Ngày 24/10, lại một chiếc xe khách mang BKS 43S-6610, đang lưu thông theo hướng Vinh - Hà Nội trên QL1A, đoạn qua đường Trần Phú (TP Vinh, Nghệ An), tài xế mất lái đã húc thẳng lên dải phân cách đường 2 chiều. Tại hiện trường, chiếc xe giường nằm húc đổ biển báo hiệu đường ngược chiều, đầu chiếc xe bị hư hỏng nặng. Rất may hàng chục hành khách ngồi trên xe không có ai bị thương.
Liền sau đó, vào sáng 27/10, xe khách mang BKS 34L-1529 lưu thông hướng từ Bắc vào Nam, khi đến địa phận xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) lại bất ngờ nổ lốp, mất lái sau đó đâm vào cột mốc bên đường rồi lật nghiêng. Vụ tai nạn nghiêm trọng cũng đã làm 18 hành khách nhập viện, nạn nhân nhỏ tuổi nhất là cháu Nguyễn Thị Yên Nhi (7 tháng tuổi - trú Nghi Lộc, Nghệ An).
Đây chỉ là những vụ điển hình trong số vài chục vụ tai nạn xe khách xảy ra trong thời gian qua, khiến người dân không khỏi lo sợ, khi đi trên phương tiện này. Trên thực tế, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông từ đầu năm 2010 tới nay, cả nước đã xảy ra 127 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 396 người, bị thương 325 người, mất tích 3 người. Trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng kể trên có tới 21 vụ liên quan đến xe khách làm chết 74 người, bị thương 167 người, mất tích 3 người.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Hướng dẫn Luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, trong thời gian rất ngắn gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện chở khách trong khi tham gia giao thông gây hậu quả thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, vi phạm các quy định về an toàn giao thông: không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chở quá số người quy định, không chấp hành các biển báo hiệu, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường…