Nhiều nguyên nhân gây chậm trễ Theo thống kê, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, đủ điều kiện được giao ĐDV trên địa bàn Hà Nội là 7.741,48ha. Trong đó, tổng nhu cầu ĐDV phải giao 854,81ha, với 77.526 hộ có nhu cầu ĐDV. Tuy nhiên, đến hết quý I/2014, các quận, huyện mới giao được 78,76ha ĐDV cho 16.852 hộ dân, đạt tỷ lệ 21,7% tổng nhu cầu, tính cả 4.430 hộ dân được huyện Mê Linh trả ĐDV bằng tiền. Hiện vẫn còn 60.674 hộ dân chờ giao ĐDV.
Phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) giao đất dịch vụ cho dân đầu năm 2014. Ảnh: Vũ Tuấn |
Ông Nguyễn Minh Mười - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội thừa nhận, công tác giao ĐDV chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch. Trong khi một số quận, huyện thực hiện tốt như Đan Phượng đạt 76,5%, Thường Tín: 61%, Phúc Thọ: 43%, Hà Đông: 35,4%... vẫn còn nhiều địa phương chưa giao được thửa đất nào cho dân, như huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Đông Anh, Thanh Trì...Các vướng mắc được chỉ ra, do quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu, một số khu ĐDV đã GPMB, đang xây dựng hạ tầng nhưng lại không phù hợp quy hoạch. Thêm vào đó, kinh phí xây dựng hạ tầng các khu ĐDV rất lớn, vượt khả năng cân đối của TP và các quận, huyện. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc. Dù đã có quỹ đất, xây dựng xong hạ tầng, nhưng nhiều nơi (Quốc Oai, Ba Vì, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh...) chưa giao đất cho dân. Lãnh đạo một số quận, huyện cho biết, số diện tích ĐDV phải trả cho dân rất lớn. Trong khi, nhiều hộ dân đã bán diện tích ĐDV cho đối tượng khác từ trước, nên dẫn đến công tác xét duyệt lâu hơn rất nhiều. Một số địa phương cũng kiến nghị TP ứng vốn năm 2014 cho công tác GPMB ĐDV để kịp có đất giao cho dân. Rà soát, khẩn trương thực hiện Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, công tác giao ĐDV rất quan trọng, vì vậy, các quận, huyện phải tích cực vào cuộc, rà soát, khẩn trương thực hiện. "Các địa phương phải làm rõ vì sao chậm, để cùng tháo gỡ. Do cơ chế, chính sách hay do cán bộ không thực hiện quyết liệt? Cùng một cơ chế, chính sách, vì sao có nơi làm tốt, giao được nhiều ĐDV cho dân, trong khi những nơi khác lại trì trệ như vậy?" - Phó Chủ tịch băn khoăn. Cũng theo Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh, trong thời gian tới, TP sẽ thành lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa văn bản chính sách hợp lý, sát với thực tế. Về nguồn lực xây dựng hạ tầng, các quận, huyện phải chủ động hơn, ngoài nguồn vốn của Nhà nước, cần bố trí nguồn vốn tiết dư để cân đối, kêu gọi doanh nghiệp ứng trước vốn hoặc làm theo hình thức cuốn chiếu, thực hiện từng ít một để có nguồn lực triển khai xây dựng hạ tầng. Nếu quận, huyện nào cũng muốn ứng cả ngàn tỷ đồng, chỉ để giải quyết nhu cầu ĐDV, TP không thể cân đối nổi. TP cũng đồng ý với kiến nghị về việc đơn vị nào thừa đất đấu giá, có thể cho chuyển sang ĐDV. Để chủ trương giao ĐDV đạt kết quả, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng lưu ý, các đơn vị nếu vì lý do nào đó gây khó dễ về thủ tục hành chính, gây phiền hà, kéo dài thời gian, TP sẽ xử lý nghiêm khắc.
Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, chuyển đổi nghề bằng hình thức giao ĐDV cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi theo Nghị định 17/2006/CP và Nghị định 84/2007/CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện phải hoàn thành việc giao ĐDV để ổn định đời sống cho người dân. Các địa phương phải đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển giao thông, đô thị. ĐDV là diện tích đất mà người bị thu hồi đất được hưởng tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi, tùy theo quy định của từng địa phương. ĐDV được cấp lâu dài, được cấp phép xây nhà để ở hoặc kinh doanh... |