Hiện nay, tại 6 quận nội thành của Hà Nội có khoảng 120 ao, hồ lớn nhỏ, nhưng phần lớn đều bị ô nhiễm. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, có tới 71% số ao hồ ở Hà Nội có chỉ số đánh giá ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, 14% bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% bị ô nhiễm nhẹ. Nhiều ao hồ chưa được xây kè đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, nơi xả rác thải sinh hoạt, hoặc bị chiếm dụng để kinh doanh…
Đốt rác ngay bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội)
Đơn cử như Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây, 2 hồ nổi tiếng làm nên một trong những thương hiệu riêng có của Thủ đô bị chiếm dụng dần. Thêm vào đó là các nhà hàng nổi ngày đêm xả nguồn thải gây ô nhiễm mặt hồ. Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng ý thức của người dân vẫn chưa được cải thiện. Tình trạng vứt rác và đốt rác ngay cạnh hồ vẫn diễn ra thường xuyên. Hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu, Ba Mẫu cũng ở trong tình trạng tương tự.
Ông Phạm Minh Chức, một người dân ở phường Phương Mai, quận Đống Đa cho biết: “Hồ Thiền Quang này vẫn là hồ chứa tất cả rác thải sinh hoạt trực tiếp ở khu dân cư. Nhiều người cũng có ý thức giữ gìn hồ, nhưng cũng có nhiều người ra đây xả rác bừa bãi, dù có thùng rác bên cạnh nhưng chẳng ai bỏ vò thùng”.
Hồ Nam Đồng cũng chung tình trạng ô nhiễm như thế. Ông Nguyễn Văn Sửu, người dân sống nhiều năm gần khu vực hồ Nam Đồng bức xúc: “Bây giờ, việc đầu tiên là cải tạo hồ, vì cứ bùn nọ đổ sang bùn kia, chỗ nọ đổ sang chỗ kia, cuối cùng có chở được chuyến xe nào đi đâu rồi lại vét lên cho vào các rìa của hồ. Hồ vẫn bẩn, toàn bị lợi dụng vào bán giải khát, cà phê rồi bày bừa ra, rác thải không vứt đúng nơi quy định”.
Mặc dù một số ao, hồ dù đã được kè đá nhưng rất ô nhiễm, nước đục đen, làm mất đi nền sinh thái và thảm động, thực vật tự nhiên ven bờ. Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, do chưa phân cấp rõ ràng trong bảo vệ môi trường hồ nên các cấp sở tại lúng túng. Nếu không có những giải pháp thiết thực thì không những ao, hồ Hà Nội bị đe dọa mà ngay cả sông Hồng có thể sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế đã có nhiều con sông trong nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Sét.
“Hồ hay môi trường là một sinh vật sống, nó cũng có thể ốm, chết nhưng cũng có khả năng tự hồi phục, khôi phục. Đã có nhiều nỗ lực chặn nước thải trực tiếp từ các sản xuất nhỏ trong các hộ gia đình nhưng chưa triệt để. Hồ sống thì cần một độ sâu nhất định, nếu cứ xả rác thì dần dần từ hồ thành vũng, từ vũng thành đất liền, chúng ta xây nhà lên thì hồ mất. Dù Chính phủ có làm nhiều biện pháp, thì vẫn cần người dân phải có ý thức tự giác. Nếu chúng ta không đồng tâm thì không những hồ của Hà Nội mà ngay cả các con sông cũng sẽ bị ảnh hưởng”, bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết.
Ao, hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm từ lâu và trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó không chỉ là môi trường cảnh quan đô thị, mà còn là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Nhiều năm gần đây, ngành chức năng cũng đã triển khai nhiều biện pháp nạo vét, vệ sinh lòng hồ. Sắp tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường ở khu vực ao hồ.
Ông Ngô Thái Nam, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho hay: “Tới đây chúng tôi sẽ triển khai rộng các công nghệ xử lý đã được phát huy hiệu quả. Ngoài ra cũng vận động nhân dân sống quanh khu vực hồ cam kết đảm bảo vệ sinh cho hồ. Bên cạnh đó, các ngành quản lý môi trường của thành phố, từ Sở đến quận, huyện tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ xung quanh hồ cũng như ở trên hồ đảm bảo được việc xả thải đủ tiêu chuẩn”.
Ao, hồ Hà Nội đang rất cần sự vào cuộc nỗ lực hơn nữa của chính quyền, ngành chức năng và mỗi người dân trong việc nêu cao ý thức bảo vệ môi trường.