Mới đạt 11% kế hoạch
Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi theo Nghị định 17/2006/CP và Nghị định 84/2007/CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện phải hoàn thành việc giao đất dịch vụ để ổn định đời sống cho người dân. Các địa phương phải đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển giao thông, đô thị. Tuy nhiên, tới tháng 5/2013, số thửa đất dịch vụ đã giao được cho người dân là 48,44ha, tương ứng với 9.080 hộ, đạt 11% tổng số nhu cầu của người dân.
Khu đất dịch vụ ở quận Hà Đông.Ảnh: Nguyễn Trung
Đáng chú ý, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn TP Hà Nội thuộc diện được giao đất dịch vụ là 7.735,1ha. Như vậy, tổng nhu cầu đất dịch vụ phải giao 788,6ha (đất thương phẩm), với tổng số hộ có nhu cầu 77.543 hộ. Trong đó, 731,4ha đã có quyết định thu hồi, gồm cả đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đạt khoảng 65% so với tổng nhu cầu. Bên cạnh đó, trong tổng diện tích trên mới có 57,9ha đang triển khai GPMB (đạt khoảng 43%) và 258,8ha xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật (đạt 35%). Nhiều dự án đã đến hạn (quá 3 năm) phải giao đất dịch vụ, nhưng nhiều quận, huyện chưa chuẩn bị xong quỹ đất dịch vụ, chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, hoặc đã xây dựng xong nhưng còn vướng mắc về cơ chế chính sách.
Đẩy nhanh tiến độ trả nợ
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ cho dân, ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, vướng mắc chủ yếu nằm ở đối tượng xét duyệt và cơ chế giao đất dịch vụ. Cụ thể, tại huyện Mê Linh, một số khu đất đã xong hạ tầng kỹ thuật nhưng không giao đất được cho các hộ dân. Một nguyên nhân nữa khiến việc giao đất chậm trễ bởi tình trạng thiếu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được giao đất trước đây, nay gặp khó khăn về vốn, bắt đầu tìm cách trốn tránh ứng vốn để GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đây là vấn đề lớn hiện nay bởi tính sơ bộ, để GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với diện tích đất dịch vụ còn thiếu (295 ha), Hà Nội cần số vốn khoảng 4.700 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, việc nợ quá hạn đất dịch vụ đối với người dân thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong thực hiện có vướng mắc do phải chờ quy hoạch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu, các sở, ngành liên quan phải vào cuộc, rà soát toàn bộ kiến nghị, đề xuất của các quận, huyện liên quan đến vị trị đất, GPMB các khu đất dịch vụ. Các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng, phấn đấu sớm trả xong đất dịch vụ cho dân.
Tính đến tháng 5/2013, kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ dân đạt quá thấp so với nhu cầu. Hiện mới chỉ có huyện Đan Phượng cơ bản giao xong đất dịch vụ cho các hộ dân (đạt khoảng 90%) và quận Hà Đông đạt khoảng 20%. Dự kiến, đến hết năm 2013, Hà Đông giao thêm gần 6.500 hộ, đạt 41%. Các quận, huyện còn lại tiến độ triển khai thực hiện rất chậm. Thậm chí, một số nơi chưa giao được thửa đất nào như huyện Mê Linh, Thạch Thất, Từ Liêm, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm... |