Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 91% sinh viên thấy hối hận, khổ tâm khi buộc phải nói dối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 11/4, tại Hà Nội, Bộ Gíao dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh- sinh viên.

Tại hội thảo, ông Ngũ Duy Anh- Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (HS-SV), Bộ GD&ĐT cho biết kết quả khảo sát và phỏng vấn sâu của Bộ GD&ĐT với 3.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, HS-SV về thực trạng đạo đức lối sống của HS-SV. Về phẩm chất, tư tưởng, chính trị, hầu hết HS-SV có tinh thần yêu  quê hương đất nước, tin tưởng và chấp hành đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự thành công của CNH-HĐH đất nước. 94,35% HS-SV được hỏi tự hào về quê hương đất nước; HS-SV đồng ý việc cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập với thế giới; 93,20% cho rằng quê hương, cội nguồn dân tộc vẫn là quan trọng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy đa số HS-SV đều xác định được mục tiêu cuộc sống, có lí tưởng phấn đấu với động cơ học tập nghiêm túc, tiích cực và chủ động với tinh thần vượt khó; 90,99% HS-SV có ý chí vươn lên trong học tập rèn luyện và đưa ra được yêu cầu tính tích cực, chủ động, linh hoạt là yếu tố quan trọng nhất giúp HS-SV thành công trong mọi việc.

Về đạo đức, đa số HS-SV có nhận thức và trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các phẩm chất nhân ái, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, sống có nghĩa tình, cần cù kiên trì, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trung thực, đoàn kết được đại đa số HS-SV nhận thức và phát huy. Có đến 97,61% HS-SV được hỏi cho rằng họ thích được chăm sóc những người thân trong gia đình; 91,38% cho rằng thấy hối hận, khổ tâm khi buộc phải nói dối hoặc làm việc không trung thực. Có 60,62% HS-SV được hỏi không đồng tình với gian lận trong thi cử. Khi hỏi về các biểu hiện trong lớp, trong trường thì có đến 91,12% ủng hộ cái đúng, không đồng tình với việc làm sai trái.

Về lối sống, hầu hết HS-SV có lối sống lành mạnh, biết chia sẻ, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai. 89,18% đồng ý với quan niệm hợp tác giúp tạo nên sức mạnh và giúp cho công việc đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời HS-SV vẫn giữ được nếp sống yêu lao động, tiết kiệm, giản dị, khiêm tốn, tôn trọng sự khác nhau về cá tính và tôn trọng người khác.

Bên cạnh những biểu hiện tích cực, vẫn còn một bộ phận  HS-SV có ý thức phấn đấu chưa cao, thờ ơ với các vấn đề chính trị-xã hội, mơ hồ về lý tưởng cách mạng, không xác định được mục tiêu, lý tưởng cuộc sống. Một số HS-SV đề cao lối sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần, bị đồng tiền tha hóa ngày càng rõ. Họ ít quan tâm đến cộng đồng và người xung quanh, rất ít tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội…Một số HS-SV không tiếp thu chọn lọc, đua đòi theo văn hóa phương Tây không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, sống buông thả, ham hưởng thụ, lười học tập, lao động, có hành vi bạo lực.

Trong tình bạn, tình yêu có một số HS-SV quan niệm chưa đúng, có xu hướng thực dụng, phóng túng, thiếu trách nhiệm với nhau. Hiện tượng sống thử có xu hướng gia tăng….Tình trạng chơi lô đề, cá độ, cờ bạc, uống rượu bia, cắm quán, vay nợ để tiêu xài dẫn đến mâu thuẫn, va chạm, xung đột đánh nhau vẫn còn trong một số HS-SV. Nhiều HS-SV nói tục, chửi thề, dùng những câu thiếu văn hóa ngay trong cả nhà trường khi nói chuyện với bạn bè. Tình trạng nghiện chơi game cũng xảy ra ở nhiều nơi dẫn đến học tập sa sút, thậm chí phải bỏ học vì không theo kịp yêu cầu của chương trình…Thậm chí tình trạng không trung thực trong thi cử vẫn còn khá nhiều trong các trường.