Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồng Dương giảm nghèo nhờ nghề phụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với trên 80% dân số làm nghề, những năm gần đây nghề chẻ tăm hương ở Hồng Dương từ một nghề phụ đã trở thành nghề cho thu nhập chính giúp địa phương xây dựng thành công nông thôn mới.

Nghề cho mọi người

Nghề chẻ tăm hương có ở Hồng Dương đã hàng trăm năm nay. Theo dân làng kể lại, ban đầu nghề xuất hiện nhiều ở các thôn Ba Dư, Phương Nhị, nhưng đến nay, nghề truyền thống này đã lan ra khắp 7/7 thôn, thu hút trên 80% lao động toàn xã tham gia. Chẻ tăm hương là nghề phụ mà người dân có thể tranh thủ làm trong lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Các sản phẩm tăm hương do người Hồng Dương làm ra có đặc điểm luôn được chà nhẵn, cắt đúng kích cỡ, mẫu mã đẹp nên thị trường rất ưa chuộng. Nhiều thương lái ở các huyện lân cận như Ứng Hòa, Phú Xuyên cũng tới nhập hàng, thậm chí có cả khách hàng ở các tỉnh, thành xa cũng lặn lội về tận nơi đặt hàng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Ngô Đồng đang chẻ tăm hương.
Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Ngô Đồng đang chẻ tăm hương.
Trong xưởng sản xuất tăm hương của gia đình, anh Nguyễn Đức Hồng, thôn Ngô Đồng vừa thoăn thoắt rũ bó tăm vừa kể vanh vách về các công đoạn làm tăm hương. Theo anh, để đóng được kiện tăm hương cung cấp ra thị trường, người làm tăm hương phải thực hiện nhiều công đoạn như pha chẻ, phơi nắng, chuốt và chà tăm bằng máy… Trung bình cứ 1 tấn vầu sẽ làm được 2,5 tạ tăm hương. Từ khi thành lập đến nay, xưởng của gia đình anh Hồng đã có 6 máy sản xuất cho năng suất tăm hương cao. Mỗi ngày xuất ra thị trường trên dưới 5 tạ tăm hương (bình quân mỗi tạ tăm cho thu nhập 2 triệu đồng). Xưởng của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng. Anh Hồng chia sẻ: “Nhờ có nghề chẻ tăm hương mà kinh tế gia đình tôi khá giả hơn, có điều kiện nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Nghề chẻ tăm hương thu hút đông đảo mọi lứa tuổi lao động, từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ… Chính vì vậy, đến Hồng Dương rất dễ gặp hình ảnh những cụ già, hay những em nhỏ lớp 3, lớp 4 làm những công đoạn đơn giản như chuyển tre, chẻ tăm kiếm thêm thu nhập.

Duy trì và phát triển

Ông Nguyễn Duy Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương tự hào cho biết: Nghề chẻ tăm hương đã giúp thay đổi bộ mặt làng quê ở Hồng Dương. Nhờ phát huy tốt nghề truyền thống mà đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vì thế cũng được nâng cao. Nhờ nghề làm tăm hương truyền thống này mà nhiều gia đình ở Hồng Dương thoát nghèo, nay đã trở nên khá giả, có của ăn của để. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2010 là 14%, đến nay giảm xuống chỉ còn 2,04%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Ngày nay, nghề chẻ tăm hương ở Hồng Dương đang trên đà phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội ở địa địa phương. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho những hộ sản xuất phát triển, chính quyền xã Hồng Dương luôn có những cơ chế ưu tiên, thông thoáng cho các hộ kinh doanh phát triển sản xuất. Xã đã mở các lớp dạy nghề cho thế hệ trẻ, phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh vay vốn. Đồng thời thường xuyên vận động người sản xuất bảo vệ môi trường, thực hiện an toàn trong lao động.

Tuy nhiên, cái khó của người dân hiện nay là nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, đắt đỏ vì thế thu nhập của người sản xuất không được đảm bảo. Đặc biệt, mặt bằng chật hẹp nên những người kinh doanh khó đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bụi bặm và tiếng ồn, đe dọa sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư. Những công nhân làm việc tại các xưởng sản xuất do không được bảo hộ lao động tốt nên thường mắc các bệnh về mắt và đường hô hấp. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của người làm nghề ở Hồng Dương lúc này là sớm có điểm công nghiệp làng nghề để họ có thể đầu tư mở rộng sản xuất, đưa làng nghề phát triển bền vững.