Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối giờ chiều nay (13/10), ngay sau phiên bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, buổi họp báo thông tin kết quả của Đại hội đã diễn ra tại Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội.

Chủ trì buổi họp báo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong...
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp
Mở đầu phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin đến báo chí kết quả Đại hội. Theo đó, Đại hội đã được tiến hành trong không khí dân chủ và đã thực hiện các nội dung:
 Họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025

Thứ nhất: đánh giá kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI; quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp 5 năm 2020 - 2025.

Vượt lên những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XVI, đạt những kết quả nổi bật, trong đó: kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo; y tế; khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy.

Tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Năng lực y tế được nâng lên. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao cả trong nước và quốc tế.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết Trung ương (4, 6, 7 khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt kết quả toàn diện và quan trọng; củng cố các cơ sở đảng yếu kém; giải quyết tốt nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường, có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.

 Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thông tin đến báo chí kết quả Đại hội. 

Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp được giữ vững và phát huy, kể cả những lúc khó khăn nhất khi có biến động về lãnh đạo chủ chốt hay thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng. Các khâu đột phá được tích cực thực hiện. Đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra. Đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong 5 năm qua, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế như: mặc dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của Thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra; chất lượng một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế Thủ đô...

Thứ hai: Đại hội đã thảo luận và biểu quyết về tiêu chuẩn, cơ cấu và ứng cử, đề cử vào danh sách bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XVII và tiến hành bầu cử nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ. Đại hội đã bầu 71 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

Thứ ba: Đạị hội đã thảo luận đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng và nhất trí thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến của Đảng bộ góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố. Nhiều tham luận tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ, được chuẩn bị công phu, làm sáng tỏ những nhiệm vụ trọng tâm then chốt của Đảng bộ Thành phố.

Thứ tư, Đại hội tiến hành bầu Đoàn Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, Đại hội bầu 60 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ năm: Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội với mục tiêu tổng quát: "đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.".

Về bầu các chức danh của Thành ủy khóa XVII, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 16 đồng chí. Trong phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII đã nghe báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu Bí thư Thành ủy khóa XVII. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khóa XVI, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô được 497/497 (đạt 100%) đại biểu dự Đại hội giới thiệu chức danh Bí thư Thành ủy khóa XVII.

Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII thống nhất danh sách giới thiệu đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khóa XVI, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội giữ chức danh Bí thư Thành ủy khóa XVII. Hội nghị tiến hành bầu cử, kết quả đồng chí Vương Đình Huệ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy khóa XVII với số phiếu đạt 71/71=100%.

Đại biểu bầu 4 đồng chí Phó Bí thư Thành ủy:

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy khóa XVI, Ủy viên Ban Thường vụ khóa XVII, Chủ tịch UBND Thành phố được Ban chấp hành bầu giữ chức danh phó Bí thư Thành ủy khóa XVII.

  BÍ thư Thành ủy Vương Đình Huệ trả lời báo chí

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ khóa XVII, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy được Ban chấp hành bầu giữ chức danh phó Bí thư Thành ủy khóa XVII.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ khóa XVII, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy được Ban chấp hành bầu giữ chức danh phó Bí thư Thành ủy khóa XVII.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ khóa XVII, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố được Ban chấp hành bầu giữ chức danh phó Bí thư Thành ủy khóa XVII.

Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII bầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy gồm 12 đồng chí, đồng chí Hoàng Trọng Quyết giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Sau 3 ngày làm việc tích cực hiệu quả, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp. Thành công của Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí. Sự đoàn kết nhất trí đó được khẳng định, được chứng minh một lần nữa công tác chuẩn bị nhân sự và kết quả thành công rất tốt đẹp của công tác bầu cử tại Đại hội.

Truyền thống đoàn kết, thống nhất cao, đặt lợi ích chung của Đảng và nhân dân lên trên hết với phương pháp cách làm công khai, dân chủ, trách nhiệm; sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành Trung ương và Hà Nội, trong đó có sự đóng góp nhiệt thành trong công tác thông tin tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội đã theo sát trong suốt quá trình Đại hội, phản ánh cập nhật thông tin về Đại hội…. Điều đó đã góp phần to lớn vào thành công chung của Đại hội.

Trước tình hình bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại 5 tỉnh miền Trung, Đại hội đã thống nhất quyên góp ủng hộ nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ nhân dân các tỉnh khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội tạo thêm niềm vui và khí thế phấn khởi, tự hào tin tưởng cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục vững bước phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hà Nội có giải pháp gì thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố?

Bước vào phần hỏi đáp, đặt câu hỏi đến các Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, phóng viên đề nghị Bí thư Thành ủy cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới tiếp thu và triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19/9/2020 như thế nào? Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong khóa mới có bảo đảm chất lượng đề ra không?

Phóng viên đặt câu hỏi, ngay sau Đại hội Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII sẽ làm gì để đưa Nghị quyết đã được thông qua vào cuộc sống để xây dựng Thủ đô văn minh - giàu đẹp? Tại họp báo, các phóng viên cũng quan tâm đến việc Đảng bộ thành phố sẽ ưu tiên thực hiện nhiệm vụ nào trước tiên, nhất là Hà Nội đang có nhiều vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác  thải…?

 Các phóng viên dự Họp báo 

Đặt câu hỏi tới Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng chí Chu Ngọc Anh, các phóng viên đề nghị Chủ tịch cho biết giải pháp để phát triển khoa học - công nghệ tương xứng với tiềm năng phát triển của Thủ đô?

Báo chí đã tuyên truyền sinh động, chính xác các sự kiện quan trọng của thành phố

Mở đầu phần trả lời các câu hỏi của báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan báo chí cả nước đã quan tâm, thông tin tuyên truyền sinh động, trung thực, khách quan các sự kiện quan trọng của thành phố. Nhất là trong một thời gian ngắn qua, Hà Nội có rất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó, có sự kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Thông qua các cơ quan báo chí, tinh thần và kết quả đại hội đã được thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Bí thư Vương Đình Huệ chia sẻ, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... nên Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố được sự quan tâm theo dõi; thành công của Đại hội không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội mà còn có ý nghĩa đóng góp vào thành công chung hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đặt mục tiêu mỗi năm khám sức khỏe cho công dân một lần

Trả lời câu hỏi về việc tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong tất cả các Đảng bộ, chỉ có 4 Đảng bộ được Bộ Chính trị làm việc về chuẩn bị Đại hội gồm và Hà Nội có vinh dự đặc biệt này. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ đã nghiêm túc chấp hành, đưa vào trong Báo cáo Chính trị.

Bí thư nêu, báo cáo chính trị tại Đại hội, có nội dung chăm sóc sức khỏe. Lần đầu tiên trong Báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu mỗi năm khám sức khỏe cho công dân một lần, đây là chỉ tiêu không dễ thực hiện, TP sẽ cố gắng thực hiện; đưa thêm chỉ tiêu về tuổi thọ; tạo bằng được chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng và những vấn đề dân sinh bức xúc.

Giải thích vì sao Hà Nội không xây dựng chỉ tiêu về hạnh phúc cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu, qua làm việc với Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ tiêu này chỉ tính cho quốc gia, chưa tính từng địa phương nên Hà Nội phân hóa chỉ tiêu vào từng mục cụ thể.

Về tỉ lệ cán bộ trẻ và cán bộ nữ, nhiệm kỳ XVI, tỉ lệ cán bộ nữ là 12%; nhiệm kỳ này đã đảo ngược lại là 21%. Trong Ban Thường vụ tỉ lệ này là 25%, có 4 đồng chí trúng cử Thường vụ Thành ủy, là bước tiến của Đảng bộ thành phố. Riêng tỷ lệ cán bộ trẻ, trong danh mục  trúng cử, đại biểu có năm sinh 1979 rất nhiều và có 3 cán bộ sinh năm 1980-1984. 

Về tỷ lệ cán bộ trẻ, tức cán bộ sinh từ năm 1980 trở lại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong số 71 đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII có nhiều đồng chí sinh năm 1979, 1978. Các đồng chí sinh từ năm 1980 trở lại, đồng chí trẻ nhất là tân Bí thư Thành đoàn Hà Nội sinh năm 1984, ngoài ra còn hai đồng chí là Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn sinh năm 1980 và Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức sinh năm 1981.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, tỷ lệ cán bộ trẻ trong Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố như vậy là chưa đạt được 10% theo quy định của Trung ương. Dù khách quan hay chủ quan thì cũng có trách nhiệm của Đảng bộ.

"Trong dự thảo Nghị quyết Đại hội, chúng tôi đã bổ sung một nội dung là phải quan tâm một cách có hệ thống đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ và quan tâm đến thế hệ cán bộ kế cận, đảm bảo lâu dài" - đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Về điểm mới về nguồn nhân lực và đào tạo cán bộ trẻ, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” để kết nói toàn bộ tri thức trên kho tàng tri thức trên địa bàn Hà Nội. Hà Nội có kho tàng, nguồn “tài nguyên chất xám rất lớn” và nguồn lực trí thức rất lớn. Trong mạng lưới đó sẽ xuất hiện tài năng, nhân tố trẻ để bồi dưỡng, dào tạo qua thực tiễn. 

"Muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết"

Về vấn đề tổ chức, Bí thư Thành ủy cho biết, ngay sau Đại hội sẽ thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy. Song song với đó, kiện toàn các chức danh chính quyền ở các đơn vị chủ chốt.

TP sẽ sớm tổ chức xây dựng 10 chương trình hành động trên cơ sở kế thừa 8 chương trình hành động của nhiệm kỳ trước. Trong đó có một chương trình về an sinh, phúc lợi xã hội. Ngoài những chính sách an sinh chung của cả nước, TP đã có thêm một số chính sách riêng như hỗ trợ người già trên 80 tuổi, hỗ trợ những người tàn tật, miễn phí xe bus cho người trên 60 tuổi, xét nghiệm tầm soát ung thư cho người trên 40 tuổi…

“Thành ủy quan điểm, muốn đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì cuộc sống phải được phản ánh trong Nghị quyết” – Bí thư Thành ủy nói và cho biết trong thời gian qua, Thành ủy đã xây dựng các chương trình, đề án khoa học, liên tục làm việc với 8 bộ ngành trọng yếu để vừa giải quyết trực tiếp những vấn đề cần được tháo gỡ, đồng thời xác định tầm nhìn chiến lược đối với từng lĩnh vực.

Về vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, TP có 2 kế hoạch chi tiết, sắp tới sẽ bổ sung, cập nhật thêm, tiếp tục triển khai. Về vấn đề nước sạch, Nghị quyết Đại hội phấn đấu 100% người dân nông thôn và thành thị dùng nước sạch, hiện nay 100% dân thành thành thị, 70 -80% người dân nông thôn có nước sạch. Đây là vấn đề an sinh xã hội lớn, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện chỉ tiêu Đại hội đề ra.

 Bí thư Thành ủy  tại họp báo

Trả lời câu hỏi về công tác quản lý cán bộ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy cho biết sẽ tiếp tục tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của cấp ủy đảng và cơ quan kiểm tra các cấp. Trong nhiệm kỳ vừa qua, TP cũng đã ban hành Chỉ thị 15 gắn với Nghị quyết 15 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thời gian tới Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị và Nghị quyết này. Ngoài ra theo Bí thư Thành ủy thì báo chí là một kênh rất quan trọng để giám sát cán bộ, đồng chí mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành để Thủ đô phát triển xứng tầm.

Thành phố sẽ liên hệ và đặt hàng đối với các nhà khoa học 

Trả lời câu hỏi của về giải pháp để phát triển khoa học - công nghệ tương xứng với tiềm năng phát triển của Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết rất tâm đắc khi khoa học công nghệ được nhắc tới xuyên suốt trong báo cáo chính trị.

 Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trả lời câu hỏi của phóng viên

Bên cạnh đó, hiện nay lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm đối với sự nghiệp khoa học công nghệ và số lượng nhà khoa học đang sống ở Hà Nội rất đông, thời gian tới thành phố sẽ liên hệ và đặt hàng đối với các nhà khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, trong quý I thành phố sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội và vấn đề khoa học công nghệ sẽ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu của Thủ đô.