Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác công tư - PPP: Giải pháp hiệu quả cho các dự án môi trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để thực hiện thành công kế hoạch bảo vệ môi trường, nước ta cần huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng chỉ đạt 50 - 60%.

KTĐT - Để thực hiện thành công kế hoạch bảo vệ môi trường, nước ta cần huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng chỉ đạt 50 - 60%. Kinh nghiệm thế giới và xét điều kiện của Việt Nam, việc áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp khả thi. PPP sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tăng rõ rệt so với cách đầu tư truyền thống.

Nhu cầu nguồn vốn gia tăng

Ông Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, lượng chất thải rắn phát thải hiện nay khoảng 30 triệu tấn và mức tăng trưởng hàng năm khoảng 7%, tương ứng với mức cầu của thị trường cho lĩnh vực xử lý chất thải hàng năm khoảng 2.340 tỷ đồng và khoảng 3.900 tỷ cho năm 2010. Chỉ tính riêng nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường của 18 ngành và lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở nước ta cũng đã lên đến 124.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006 - 2010, nước ta đã kêu gọi nguồn vốn ODA với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ USD cho các chương trình bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Quỹ Bảo vệ Môi trường chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức rất khiêm tốn. vì thực tế quỹ còn phải phân phối trải đều cho các vùng miền khác nhau, các lĩnh vực khác nhau. Điều này cho thấy tính cấp bách của vấn đề về nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, mặc dù nguồn thu từ thuế môi trường ở nước ta có tăng, nhưng vẫn hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn ngân sách luôn có hạn và yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có các định hướng cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn từ tư nhân (cả từ vốn đầu tư nước ngoài), khi mà hình thức kêu gọi đầu tư theo mô hình dự án BOT, BT đã bộc lộ những khó khăn và nhược điểm. Để thực hiện thành công kế hoạch bảo vệ môi trường, nước ta cần huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng chỉ đạt 50 - 60%. Nhằm bù đắp khoản thiếu hụt đó, chúng ta phải huy động các nguồn khác nhau như ODA, trái phiếu Chính phủ… Tuy nhiên, các giải pháp đó sẽ tạo ra nợ quốc gia.

PPP - Mô hình hiệu quả

Với chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, các công ty tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác xã, các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu đã tham gia với tư cách là các chủ thể cung ứng dịch vụ môi trường mới. Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được huy động tích cực vào lĩnh vực này. Sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước vào dịch vụ môi trường ngày càng nhiều là một xu hướng tích cực, phù hợp yêu cầu xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, số này còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai, ứng dụng vì nhiều lý do như năng lực tài chính của các doanh nghiệp tư nhân có hạn, Nhà nước lại chưa có những cơ chế cụ thể nhằm tạo mọi điều kiện, nhất là về nguồn vốn. Nếu như trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng thành công mô hình hợp tác công tư trong 20 năm qua, nhờ việc đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp về PPP, thì ở nước ta,hợp tác công tư vẫn còn mới mẻ, và hiện đang từng bước nghiên cứu và học tập kinh nghiệm thế giới cũng như thực hiện thí điểm mô hình theo một số quy chế riêng.

Kinh nghiệm thế giới và xét điều kiện của Việt Nam, việc áp dụng mô hình PPP là một trong những giải pháp tăng nguồn vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của tư nhân cho các dự án môi trường. Do vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu để sớm hoàn thành khung pháp lý về PPP, tạo môi trường thuận lợi cho mô hình PPP phát triển, thành lập một cơ quan quản lý nhà nước về PPP có đủ năng lực thực hiện đàm phán ký kết các hợp đồng PPP, hỗ trợ địa phương hay giải quyết các vướng mắc liên quan.