Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác đầu tư và phát triển: Những con số ấn tượng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục trong 3 năm (2016 - 2018), Hà Nội tổ chức thành công hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư, khẳng định vị trí tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Hà Nội ký kết 95 dự án đầu tư với các DN trong và ngoài nước thì đến hội nghị năm 2017, các DN đã ký kết với UBND TP Hà Nội 135 dự án trị giá 1.106 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư là 397.335 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng.
 Doanh nghiệp Cần Thơ - Hà Nội trao đổi cách thức đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Ảnh: Hoài Nam
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, tổng vốn đầu tư xã hội tăng trưởng đều qua các năm (năm 2016 đạt 278,88 nghìn tỷ đồng, tăng 10,37%; năm 2017 đạt 308,219 nghìn tỷ đồng, tăng 10,52%). Đầu tư ngoài ngân sách trong nước đến cuối năm 2017 có khoảng 2.200 dự án với tổng mức đầu tư 1,07 triệu tỷ đồng. Đầu tư theo hình thức PPP có 115 dự án với tổng mức đầu tư 312,66 nghìn tỷ đồng, trong đó 8 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư (TMĐT) 13,68 nghìn tỷ đồng); 12 dự án đang triển khai thực với TMĐT 29,29 nghìn tỷ đồng; 95 dự án đang thực hiện thủ tục với TMĐT 269,69 nghìn tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài 2 năm 2016 - 2017 thu hút được 6,55 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD (tỷ lệ đạt 42,7%).

Từ nay đến năm 2021, TP Hà Nội đặt mục tiêu: Tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9%; GRDP bình quân/người 6.700 - 6.800 USD; huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng 13 - 14%/năm); năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo 70 - 75%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%...

Việc Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được cộng đồng DN đánh giá cao qua sự tăng hạng liên tục của các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2016 tăng 10 bậc, năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, TP); chỉ số Cải cách hành chính (năm 2016 tăng 6 bậc, năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 2/63 tỉnh, TP). Cộng đồng DN đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; đến nay đã có trên 250.000 DN; vốn đầu tư đăng ký hàng năm hơn 400.000 tỷ đồng. Sự nỗ lực của cộng đồng DN và người dân đã góp phần quan trọng vào những thành tựu kinh tế của Thủ đô.

Hiện Hà Nội duy trì 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đặc biệt trong tháng 8/2018, TP Hà Nội đã triển khai thử nghiệm hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP tại 6 đơn vị (3 sở, 2 quận và 1 huyện). Ngoài ra, UBND TP cũng xây dựng nhiệm vụ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch đất đai, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... “Các nhà đầu tư đã có thể cảm thấy "sức nóng" lan tỏa từ TP xuống đến các sở, ngành chức năng của Hà Nội một cách liên tục” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét.