Hướng đến Ngày Sức khỏe thế giới 7/4: Báo động 15% dân số bị stress

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress, con số này càng gia tăng khi xã hội ngày càng phát triển. Điều này đem lại những gánh nặng về mặt xã hội.

Bệnh nhân có rối loạn liên quan đến stress được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai. 
Bệnh nặng hơn vì chủ quan

Điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (VSKTT), Bệnh viện Bạch Mai, hơn một tháng qua, bà T.T. S. (ở Đông Sơn - Thanh Hóa) cho biết, bà đã thoát khỏi tình trạng stress được 90% so với thời điểm trước khi nhập viện. Bà S. bị bệnh mất ngủ hành hạ suốt 18 năm qua, trước đó bà đi khám tại bệnh viện tuyến huyện thì được bác sĩ kê đơn thuốc bắc nhưng uống mãi không đỡ. Hàng ngày bà phải dùng thuốc ngủ để an thần, đêm nào không dùng thuốc, bà trằn trọc suốt đêm, người lúc nào cũng bứt rứt, buồn bực khó chịu. Qua thăm khám, bà S. được chẩn đoán là bị rối loạn cơ thể, được điều trị theo phác đồ.

Cũng từng nhập viện tại VSKTT khi có những lo âu, hồi hộp và mất ngủ, bà L.T.T.M. (75 tuổi, ở Quảng Bình) cho biết, bà đã đi khám tại bệnh viện huyện, lên cả tuyến tỉnh nhưng bác sĩ không phát hiện ra bệnh. Chính vì thế, bà M. tự điều trị bằng cách uống thuốc an thần trong một thời gian dài. Sau 3 năm bệnh ngày càng nặng, gia đình mới đưa bà ra khám tại VSKTT. Tại đây, bác sĩ kết luận, bà M. bị rối loạn liên quan đến tâm thần.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong hơn 300 bệnh nhân tới khám tại VSKTT mỗi ngày. Việc nhiều người bệnh chủ quan và không được khám đúng chuyên khoa là nguyên nhân chính khiến số lượng bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn liên quan đến stress ngày càng tăng và bệnh trầm trọng hơn. Điều này gây áp lực, gánh nặng không nhỏ đến ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung.

Theo Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, VSKTT, Dương Minh Tâm, các rối loạn liên quan đến stress chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng. Các bệnh nhân mắc rối loạn liên quan đến stress do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân... Nếu như cách đây 20 năm, mỗi ngày VSKTT chỉ tiếp nhận vài ca bệnh thì nay, mỗi ngày hơn 300 ca. Riêng lứa tuổi học đường, trước đây chỉ gặp bệnh nhân lứa tuổi THPT, nhưng gần đây nhiều học sinh cấp THCS cũng đến khám vì rối loạn lo âu. Nhiều trẻ bị strees nặng đã có những hành động như tự nhổ tóc, rạch tay, đập đầu vào tường…

Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu...

Khám, điều trị kịp thời

Tại VSKTT, có những người bệnh chữa mãi không khỏi, đến lúc bác sĩ “điều tra” ra thì mới biết bệnh nhân bị lạm dụng tình dục từ bé. Những lý do về lạm dụng tình dục khó khai thác được. Có những bệnh nhân khai thác được nhiều, biết được nguyên nhân thì điều trị dễ dàng hơn, tỷ lệ chữa khỏi cao, khai thác được ít, tỷ lệ khỏi bệnh thấp. “Hiện VSKTT đã và đang điều trị bằng liệu pháp tâm lý giải động lực, đó là tạo điều kiện cho bệnh nhân kể lại với trải nghiệm đầy đủ khi bị hại, dần dần làm trị liệu, thay thế dần bằng cảm xúc tích cực, qua đó cải thiện được tình trạng bệnh” - bác sĩ Dương Minh Tâm chia sẻ.

Mặc dù bệnh rối loạn tâm thần có thể điều trị được, song cần phát hiện, điều trị sớm và phải tuân thủ điều trị. Hiện nay số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người chỉ có 2 - 3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý và bằng thay đổi lối sống còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có khoảng gần 1.000 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến T.Ư và các TP lớn.

Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần rất đa dạng, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân, song ít người nghĩ đến căn nguyên tâm thần. Vì vậy, bác sĩ Tâm khuyến cáo, hãy nghĩ đến bệnh lý tâm thần và đưa người thân đến bác sĩ ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường như rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ… Cùng với đó, để phòng ngừa stress, mỗi người cần phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác; dành thời gian để có hoạt động thư giãn, giải trí hợp lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần