Phát triển các trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất sữa sạch đang được coi là hướng đi phù hợp cho ngành sản xuất, kinh doanh sữa Việt Nam hiện nay.
Nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu
Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò của Việt Nam đạt 166.990 con. Trong số đó có trên 120.000 con đang nuôi tại các hộ gia đình quy mô nhỏ, năng suất thấp, tận dụng các sản phẩm phụ trong trồng trọt là chính. Do đó, chất lượng sữa nguyên liệu vẫn chưa đảm bảo. Đó là những con số được đưa ra tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam" tổ chức sáng 28/11. Thiếu nguồn cung cấp nên Việt Nam hiện thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sữa nhiều nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế. Đối với các sản phẩm sữa nước, trên 70% là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nguyên.
Dây chuyền đóng gói của TH True Milk. Ảnh: Hoàng Quân
|
"Tính đến tháng 10/2013, tổng đàn bò sữa của TH đã lên tới 35.000 con. TH sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đàn bò sữa đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT là tăng đàn bò lên 500.000 con so với hiện nay. Tập đoàn xác định, tăng trưởng đàn bò sữa đúng quy chuẩn đồng nghĩa với việc cung cấp nguyên liệu sữa tươi sạch dồi dào để sản xuất ra sản phẩm sữa đạt chuẩn chất lượng quốc tế". Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH |
Một vấn đề nữa của ngành sữa Việt Nam là chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng và các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi. Thông tin trên nhiều sản phẩm sữa còn mập mờ, khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận về thành phần cũng như tác dụng của chúng trong mỗi lít sữa. Kiến thức phổ cập các loại sản phẩm sữa còn hạn chế, không minh bạch. Chất lượng sữa chưa đảm bảo khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm sữa nội và chuyển sang dùng sữa ngoại, gây khó khăn cho ngành sữa cũng như thị trường sữa của Việt Nam.
Nhìn từ mô hình TH True Milk
Nếu ngành sữa Việt vẫn tiếp tục phải nhập tới quá nửa sữa bột nguyên liệu, người tiêu dùng sẽ vẫn phải mua sữa với mức giá đắt nhất thế giới. Cơ hội được dùng sữa tươi sạch sẽ đến được với ít người Việt hơn. Bởi vậy, theo các chuyên gia trong và ngoài nước, con đường thúc đẩy sự phát triển ngành sữa Việt Nam là ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi chất lượng cao.
Đi đầu trong xu hướng phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy mô trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sữa sạch là mô hình của Tập đoàn TH với thương hiệu sữa sạch TH True Milk. Học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại của Israel - một nước đứng đầu thế giới về năng suất, chất lượng sữa, Tập đoàn TH đã thu được những kết quả khả quan từ Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung lớn tại Nghệ An. Dự án với tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD là dự án có quy mô lớn, quy trình khép kín, hiện đại từ đồng cỏ tới ly sữa sạch. Ứng dụng công nghệ cao giúp TH có được nguồn thức ăn chất lượng và ổn định cung cấp cho đàn bò tiêu chuẩn quốc tế. Trong suốt quá trình từ chăn nuôi đến vắt sữa, đàn bò được kiểm soát thông qua hệ thống máy tính cùng các thiết bị giám sát chặt chẽ, giúp phát hiện những loại bỏ những con bò, nguyên liệu đầu vào không đạt chuẩn. Với hệ thống vắt tự động và được thực hiện trong điều kiện khép kín, vệ sinh góp phần đảm bảo chất lượng sữa trong suốt quá trình sản xuất. "Chăn nuôi bò sữa quy mô lớn ở vùng đất miền Tây Nghệ An với điều kiện thiên nhiên không thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu của TH là minh chứng cho sự thành công của ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi và sản xuất sữa tươi sạch và chất lượng cao" - TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá.