Trước thực trạng đó, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức "Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2012". Cuộc thi kết thúc với nhiều kết quả đáng khích lệ.Bên cạnh những làng nghề truyền thống không đầu tư sáng tạo, cải tiến mẫu mã sản phẩm, thường xuyên gia công cho đối tác hoặc nhái mẫu sản phẩm nước ngoài, cũng có nhiều nghệ nhân làng nghề bỏ thời gian, trí lực để sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo. Tuy nhiên, các sản phẩm gọi là mới nhưng chưa tạo nên sự đột biến về mẫu mã, chủ yếu chỉ mới cải tiến chi tiết nhỏ hay chất liệu sản phẩm. Tại làng gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… đã có những nghệ nhân đầu tư sáng tạo mẫu mã độc đáo riêng. Những mẫu mã này đang dần được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng, tuy nhiên để sản xuất hàng loạt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lại không khả thi...
Đầu tư, cải tiến mẫu mã sản phẩm sẽ thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Hải
Trước thực trạng trên, UBND TP đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức "Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2012" với chủ đề "Sáng tạo, hợp tác hướng tới thành công" nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy ý tưởng sáng tạo, phát triển mẫu mã sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đại diện Ban tổ chức, sản phẩm dự thi phải đáp ứng 4 tiêu chí: Tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, tính thương mại và tính thân thiện với môi trường.
Cuộc thi đã diễn ra từ tháng 5 - 10/2012 và nhận được sự tham gia hưởng ứng của 89 đơn vị, cá nhân với tổng số 210 sản phẩm dự thi bao gồm các nhóm: gốm sứ, sơn mài, mây tre giang đan, khảm trai, gỗ mỹ nghệ, đồng kim khí, thêu ren… Tuy đây là lần đầu tổ chức, song cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các Hội, Hiệp hội trên địa bàn TP; quy tụ sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và các nghệ nhân. Các sản phẩm dự thi đa phần có thiết kế mới, trong đó 6 sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba có thiết kế mới 100% trong năm 2012. Chủng loại, chất liệu sản phẩm dự thi đa dạng, nhiều sản phẩm có chất liệu độc đáo, thân thiện với môi trường như: Sản phẩm sơn mài cốt giấy ép, sản phẩm trang trí từ giấy tận dụng... Trong số 210 sản phẩm dự thi, đã có 41 sản phẩm được UBND TP trao giải thưởng, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 35 giải Khuyến khích.
Để bổ sung, hoàn thiện các mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN), tạo ra những sản phẩm mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, đạt mỹ thuật cao, ngoài việc nhận và đánh giá sản phẩm dự thi, Sở Công Thương đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế TCMN đến từ trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam tham gia đánh giá các sản phẩm dự thi. Nhiều sản phẩm đã được chỉnh sửa theo ý kiến của chuyên gia, đem lại sự hoàn hảo hơn trong mẫu mã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, cuộc thi vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Một số nhóm sản phẩm dự thi còn ít như đá, sừng mỹ nghệ, đồng kim khí, dệt lụa tơ tằm…; một số sản phẩm có mẫu mã không mới… Dù vậy, ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi cho rằng, cuộc thi đã góp phần khơi dậy tính sáng tạo của các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực TCMN, tạo ra những mẫu sản phẩm TCMN có tính mới, độc đáo, sáng tạo. Mặc dù đây là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức một cuộc thi như vậy, song các kết quả đạt được đã vượt những mục tiêu đề ra. Vì vậy, ông Thủy kiến nghị TP cần tiếp tục duy trì những cuộc thi như thế để tạo thêm động lực phát triển các làng nghề Hà Nội.