Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng mạnh về cơ sở

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2013 - 2018 chính thức khai mạc với chủ đề: "Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng đội ngũ công nhân viên chức lao động, tổ chức công đoàn Thủ đô vững mạnh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

 
Những năm gần đây, hoạt động công đoàn (CĐ) tại Hà Nội được đánh giá là thể hiện rõ nét hơn phương châm "hướng về cơ sở". Các hoạt động bề nổi mang tính hình thức đã giảm bớt, các nội dung thiết thực, gần gũi với người lao động đã được đẩy lên, từ đó những "dấu ấn" của CĐ đã hình thành. 

Đi cùng người lao động 

Điều đầu tiên phải ghi nhận, hoạt động CĐ những năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Thanh Đà cho biết: Các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách lao động được thực hiện tại 3.500 doanh nghiệp, truy thu 100 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH. Đồng thời, kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật lao động và bảo vệ quyền lợi cho gần 35.000 người, giải quyết kịp thời 77 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo vệ quyền, lợi ích cho hơn 45 công nhân lao động. Thương lượng tập thể ở cơ sở đã đi vào thực chất, hiện đã có 62,81% doanh nghiệp ngoài Nhà nước ký được thoả ước lao động tập thể, đây chính là cơ sở để CĐ bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. 

Hướng mạnh về cơ sở - Ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thăm hỏi, động viên công nhân xây dựng cầu vượt nhẹ nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã dịp Tết Quý Tỵ.Ảnh: Thanh Hải


Đi sâu vào đời sống người lao động, các cấp CĐ đã làm tròn vai trò nắm bắt tình hình việc làm, đời sống của công nhân. Bên cạnh đó, hàng năm, LĐLĐ TP triển khai hỗ trợ từ 35 - 50 mái ấm công đoàn với số tiền 25 triệu đồng mỗi mái ấm; 21,6 tỷ đồng từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô giúp người lao động phát triển kinh tế... 5 năm liền, các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê ăn Tết được tổ chức, hoạt động khám sức khỏe liên tục diễn ra…, chính điều này đã kéo CĐ tới gần hơn người lao động.
 
Chị Nguyễn Thị Dung, công nhân Công ty Yamaha Motor Việt Nam chia sẻ: Trong lúc người lao động liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, sự quan tâm thiết thực của CĐ dù chỉ rất nhỏ cũng giúp người lao động thấy vững tin hơn. Chỉ mong rằng những hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.

Từ thực tế hoạt động CĐ trong những năm qua, khá nhiều mô hình mới đã ra đời để giải quyết nhu cầu thiết thân của người lao động. Dự án "Thúc đẩy bảo vệ quyền của người lao động nhập cư tại các KCN phía Bắc" được thực hiện dưới hình thức các buổi tư vấn pháp luật về các vấn đề chế độ BHXH, BHYT, trả lương làm thêm giờ, nghỉ thai sản tại các khu nhà trọ trong các KCN - CX Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng lớn. Xây dựng các nhóm công nhân nòng cốt tại các KCN huyện Sóc Sơn và Gia Lâm, giúp các khu nhà trọ trở nên gần gũi hơn.
 
Một phong trào CĐ đang phối hợp với Công an khu vực thực hiện cũng được đánh giá rất cao là Tổ Công nhân tự quản. Tại đây, CĐ đã đầu tư cơ sở vật chất như kệ để sách báo, hòm thư, hỗ trợ vay vốn, sử dụng điện giá thấp, không tăng giá nhà trọ… Đến nay, 50 tổ đã ra đời và sẽ tiếp tục được nhân rộng.

Vẫn là chưa đủ

Có thể nói rằng, hoạt động CĐ trong những năm qua dẫu có những bước tiến mới, nhưng vẫn chưa thoát được hai chữ "phong trào". Chính những người làm CĐ cũng ý thức rằng, điều quan trọng nhất của người lao động hiện nay là việc làm, thu nhập ổn định, nhà ở, nâng cao trình độ. Tuy TP có rất nhiều sự quan tâm, nhưng đời sống của công nhân lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngay vấn đề nhà ở, dù đã có cơ chế, chính sách xã hội hóa nhưng chưa hiệu quả. Hiện chỉ có KCN Thăng Long, Phú Nghĩa đã xây dựng được nhà ở cho công nhân.
 
Ở nhiều KCN, tình trạng nữ công nhân lao động không lập được gia đình có xu hướng gia tăng, nhà trẻ, trường mầm non, trạm y tế và nơi vui chơi giải trí... thiếu trầm trọng. Tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động...

Do đó, trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, trong số 8 nhiệm vụ và giải pháp CĐ đặt ra, việc nâng cao vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công đoàn viên, CNVCLĐ được đặt lên hàng đầu. Ngoài đóng góp vào chính sách tiền lương, lao động, LĐLĐ TP sẽ tiếp tục tham mưu để xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở cho công nhân tại các KCN. Trên cơ sở, ở đâu có KCN - KCX, cụm công nghiệp, ở đấy có nhà ở công nhân và hạ tầng đi kèm. Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản 90 - 95% công nhân đang làm việc tại các KCN tập trung trên địa bàn TP ổn định về chỗ ở, có trường học và nhà trẻ cho con em...