Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng phát triển bền vững cây trồng chủ lực của Hà Nội

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển ồ ạt một vài loại cây trồng, tình trạng “được mùa, mất giá” đã diễn ra tại nhiều địa phương. Vì vậy, lựa chọn nhóm cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, phân vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định là giải pháp ưu việt đối với nông nghiệp Hà Nội.

Đầu ra không ổn định

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích cây ăn quả của toàn thành phố khoảng 13.000ha, trong đó chủ lực là bưởi, chuối, cam, táo… Vào vụ thu hoạch chính, sản lượng đạt trên dưới 200.000 tấn; riêng bưởi khoảng 100.000 tấn...

Những năm gần đây, nhiều vùng trồng cây ăn quả đưa giống mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên sản lượng thường tăng khoảng 30% so với trước đó.

Vùng trồng bưởi Diễn xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng trồng bưởi Diễn xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc

Những ngày này, người trồng chuối ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) tất bật cho vụ cuối năm. Vân Nam hiện có 100ha trồng chuối, sản lượng đạt 1.000 tấn quả/năm. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hơn 80ha diện tích cho thu hoạch gần 2.000 buồng chuối. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng chia sẻ, ngoài Vân Nam, nhiều địa phương cũng đang trồng chuối tiêu hồng nên đầu ra nhiều thời điểm không ổn định.

Tại huyện Gia Lâm, nhóm cây ăn quả chủ lực của huyện hiện là bưởi, chuối, cam, ổi. Trong đó, toàn huyện có hơn 200ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, tập trung tại các xã: Cổ Bi, Kiêu Kỵ, Kim Sơn, Phú Thị… Lượng trái cây thu được từ các mô hình VietGAP được hỗ trợ tiêu thụ qua siêu thị, nhà hàng; số còn lại do nông dân phải tự tiêu thụ.

Không riêng cây ăn quả, đến nay, Hà Nội đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, mô hình trồng rau an toàn phát triển ồ ạt tại nhiều địa phương và nông dân vẫn phải loay hoay với đầu ra dù nhu cầu thị trường Hà Nội đối với rau xanh khá lớn.

Vùng trồng rau an toàn xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng trồng rau an toàn xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều chuyên gia nhận định, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Hà Nội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển cho nông nghiệp các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Trong đó, việc trồng cây gì cần có sự tính toán trên thế mạnh về thị trường và môi trường sản xuất. Thực tế, thời gian qua, việc phát triển ồ ạt cam Canh, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng… đã dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”.

Quy hoạch cần gắn với thế mạnh

Để lựa chọn cây trồng phù hợp, Hà Nội đã quy hoạch vùng sản xuất đối với từng loại cụ thể. Đơn cử như cây ăn quả, rau màu tập trung tại vùng bãi; hoa, cây cảnh phát triển tại vùng ngoại thành giáp nội đô.

 

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nên những rào cản cho phát triển nông nghiệp là khá lớn. Tuy nhiên, những đổi mới trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn, xác định phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và hướng đi phù hợp từng nhóm cây trồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Tuy nhiên, với điều kiện về quỹ đất như hiện nay, Hà Nội cần tập trung vào nhóm cây trồng cụ thể, định hướng phát triển vùng theo thổ nhưỡng; tránh địa phương nào cũng có mô hình giống nhau sẽ phát triển thiếu tập trung, chạy theo số lượng mô hình mà chưa tính đến bài toán kinh tế, thị trường, sự cạnh tranh, đa dạng...

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng, nông nghiệp hiện đại không có nghĩa là địa phương nào cũng có mô hình trồng bưởi, trồng rau hay trồng hoa. Điều này sẽ tạo sự đại trà và không chuyên canh; việc xây dựng vùng sản xuất, định vị, tạo mã số vùng trồng sẽ hạn chế.

Theo thống kê, Hà Nội có 22 giống cây trồng đặc sản, trong đó có 12 giống cây ăn quả, bao gồm: Bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, bưởi Tháng Mười, cam đường Canh, phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn, mơ Hương Tích, khế Bắc Biên, mít na Sơn Đà, hồng xiêm Xuân Đỉnh.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 7 giống rau: húng Láng, rau sắng chùa Hương, rau muống Linh Chiểu, khoai tây Thường Tín, cải bẹ dưa Đông Dư, cải mơ Hà Nội, cải mào gà Hoài Đức; 3 giống hoa, cây cảnh: hoa đào Nhật Tân, địa lan kiếm và sen Tây Hồ. Hà Nội cần khai thác nguồn cây trồng đặc sản và lựa chọn vùng trồng phù hợp gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu.

Về lĩnh vực này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, ngành nông nghiệp đóng góp 2% GDP của TP Hà Nội; 17 huyện và 1 thị xã có phát triển nông nghiệp. Do đó, quy hoạch ngành nông nghiệp trong thời gian tới vô cùng quan trọng, đặc biệt là việc đánh giá toàn bộ hiện trạng của nông nghiệp, từ đó xác định từng vùng phù hợp loại cây trồng gì. Định hướng của Hà Nội là phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, sinh thái trải nghiệm và tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao.