Hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ban hành và đưa vào triển khai Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả” nhận được nhiều sự đồng tình của người dân và dư luận.

 Hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả
Tăng tính công khai
Trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng. Hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC) được rà soát, cắt giảm, việc công khai quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng mối quan hệ giữa công dân và cơ quan hành chính của TP. 100% quận, huyện, thị xã và 11/24 đơn vị khối sở, ngành đã triển khai thực hiện khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính và được người dân, DN đánh giá cao. Từ đó, tư duy, thái độ, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức TP căn bản được thay đổi.

Trong năm vừa qua, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã thực hiện trách nhiệm định kỳ tiếp công dân. TP cũng đã xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm kỷ cương hành chính của một số cán bộ, công chức, được dư luận đồng tình và tác động mạnh mẽ tới nhận thức, hành động và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô.

Sự nỗ lực, cố gắng của TP đã thể hiện rõ qua Chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, TP, cao nhất từ trước đến nay; chỉ số CCHC xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc)... Cùng với đó, những kết quả trong hiện đại hóa nền hành chính cũng giúp Hà Nội xếp vị trí thứ hai trong số 63 tỉnh, TP về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua các cuộc khảo sát cũng cho thấy, hiện nay nhiều nội dung cũng chưa thật sự làm hài lòng người dân, DN. Trong đó, phải kể đến tính công khai, minh bạch trong một số hoạt động quản lý hành chính Nhà nước chưa bảo đảm. Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, vẫn còn xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực và tự đặt thêm quy định không có trong văn bản quy phạm pháp luật khi giải quyết TTHC... gây những bức xúc trong dư luận.

Nâng trách nhiệm giải trình

Trong đề án để cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP, Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 mức độ hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ của các cơ quan hành chính và giải quyết TTHC; dịch vụ sự nghiệp công đạt hơn 80%. Tất cả các cơ quan hành chính duy trì có hiệu quả đường dây nóng, tăng cường thiết lập đường dây tư vấn, hỗ trợ người dân, DN trong thực hiện các TTHC…

Để thực hiện thành công các mục tiêu, thời gian tới TP tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bãi bỏ, cắt giảm những thủ tục không cần thiết. Đồng thời, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết TTHC trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân và DN là thước đo. Đặc biệt sẽ chú trọng tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý Nhà nước…

Cùng với đó, TP cũng sẽ tiếp tục triển khai đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số CCHC đối với các sở, ngành, địa phương, nhằm bảo đảm việc đánh giá cán bộ đúng thực chất, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, công tác bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng công vụ cũng sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội duy trì kết quả xếp hạng chỉ số CCHC, đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh nằm trong tốp 10 địa phương cao nhất cả nước.