Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/9, tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mô hình này nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước.

Đại biểu trẻ em tham dự Phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu trẻ em tham dự Phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay , 10/9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự phiên họp giả định. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, các Uỷ ban của Quốc hội và 263 trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố.

Đây là lần đầu tiên, tại Nhà Quốc hội, diễn ra phiên họp giả định dành cho trẻ em nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn

Phát biểu tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực trạng đó cho còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cháu tham dự phiên họp giả định hôm nay; hi vọng trong số các cháu tham dự chương trình hôm nay sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của Nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sự thể hiện xuất sắc của các cháu hôm nay cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế trên toàn cầu cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới.

“Ý kiến thảo luận của các cháu và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, đã đem lại những kết quả tích cực trong thực tiễn.

263 đại biểu trẻ em tiêu biểu toàn quốc tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Ảnh: Quochoi.vn
263 đại biểu trẻ em tiêu biểu toàn quốc tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Ảnh: Quochoi.vn

Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em. Trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần chú trọng thẩm tra các quy định bảo đảm quyền trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như nguyên tắc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề các em đã kiến nghị tại phiên họp Quốc hội giả định hôm nay. Rà soát để hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được thực hiện đồng bộ bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Qua phiên họp giả định hôm nay, từ các vấn đề các đại biểu trẻ em đã phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ em, mỗi gia đình cần nêu cao trách nhiệm trong quan tâm, nuôi nấng, dạy dỗ trẻ em, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an toàn, được bày tỏ tiếng nói trong ngôi nhà của mình. Gia đình cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ em, tránh gây áp lực cho các em về học tập và cuộc sống.

Đối với các nhà trường, các thầy, cô hãy tạo điều kiện, môi trường giáo dục giúp các cháu mỗi ngày đến trường là một niềm vui, để thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai của các cháu, thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và đồng hành để các cháu không bị áp lực học hành, thi cử.

Với cộng đồng xã hội, hãy luôn dành những tình cảm, trách nhiệm và lòng yêu thương, sự quan tâm nhất tới trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, đó cũng là tiền đề để chúng ta xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái, sẻ chia, tạo nên một thế hệ công dân tương lai có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tại các địa phương, chính quyền các cấp cần đóng vai trò làm cầu nối, phối hợp giữa chính quyền, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động đối thoại với trẻ em; bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án, đề án về công tác trẻ em.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách sinh động, hiệu quả đến với các đối tượng trẻ em. Chú trọng triển khai tốt các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan liên quan định kỳ tiếp tục tổ chức ngày càng tốt hơn Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em cả nước.

Tăng cường nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em

Như một phiên họp tại các kỳ họp của Quốc hội, các “Đại biểu Quốc hội trẻ em” cùng với các “Thành viên Chính phủ trẻ em” đã có phiên thảo luận, chất vấn và giải trình công tác chăm lo, bảo vệ cho trẻ em về: Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Đại biểu trẻ em tham dự Phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu trẻ em tham dự Phiên họp giả định. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My, Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An chia sẻ, theo kết quả khảo sát thực tế trên 41.000 cử tri trẻ em được thực hiện trước phiên họp cho thấy, có tới 11,96% trẻ em cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thỉnh thoảng xảy ra. Các hành vi xâm hại như tát, đấm, đá, xúc phạm danh dự được đánh giá là xảy ra ở mức độ đặc biệt cao, trên 30%; 44,5% trẻ em tìm phương án giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; 44,6% trẻ bị tai nạn thương tích là do bị bạn bè lôi kéo vào các hoạt động không an toàn...

Để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho trẻ em giúp trẻ em chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, đại biểu Hoàng Trà My đề xuất, các cơ quan chức năng tại địa phương quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại các thôn, xóm. Cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tại nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động…

Về vấn đề này, đại biểu trẻ em Bùi Thị Quỳnh Chi, Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường. Đồng thời nhà trường cần tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; nên tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư để giúp các trường có các buổi talkshow, giúp học sinh dám đứng lên nói ra ý kiến của mình.

Đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang, Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng nêu vấn đề, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn đó những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng. Các nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do trẻ em chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em để các em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, đại biểu trẻ em Khúc Trà Giang đề nghị nhà trường đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như Giáo dục công dân, tin học. Nhà trường cần chú trọng hơn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em có thể tự bảo vệ bản thân và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; mở rộng hình thức trình bày câu chuyện ngắn có hình ảnh dễ thương, đối thoại giữa các nhân vật phản ánh trực tiếp hiện tượng sẽ giúp các em hứng thú hơn, vừa có hình ảnh trực quan sinh động mà không bị nặng tính lý thuyết. Đồng thời, có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng.